Cá phổi (tên khoa học là Salamanderfish) là một loại cá nước ngọt nổi tiếng nhờ khả năng sống trên cạn. Chúng có thể sống trong nhiều tháng trời mà không cần bơi lội tung tăng dưới nước, thậm chí là nhiều năm.
"Địa bàn" hoạt động của loài cá này là các vùng nước nông, như đầm lầy. Tuy vậy, chúng cũng được tìm thấy ở các hồ nước lớn hơn ở châu Phi, Nam Mỹ và Australia, theo Amusing Planet.
Người dân châu Phi đào cá phổi. Nguồn: Youtube.
Khi có nước, cá phổi bơi bình thường như mọi loài cá khác, chúng ăn cá và động vật giáp xác nhỏ dưới đáy ao, sông, suối. Khi mùa khô đến, những nơi này cạn nước, chúng sẽ chui sâu xuống bùn bằng cách ăn bùn bằng miệng rồi thải qua mang. Khi đạt đến độ sâu vừa đủ, cá phổi ngừng đào hang và tiết chất nhầy qua miệng để làm cứng bùn, tạo thành một cái kén bao quanh nó. Miệng cá là bộ phận duy nhất lộ ra ngoài để lấy không khí.
Trong thời gian ngủ đông dài này, cá phổi sẽ hạn chế tối đa sự trao đổi chất. Khi nước bắt đầu tràn về và lớp bùn khô trở nên mềm hơn, những con cá này sẽ chui ra khỏi hang. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, loài cá này có thể sống sâu trong lớp đất bùn khô đến 4 năm.
Cá phổi có thân dài giống như lươn, có vây ngực và vây xương dùng để bơi và bò dọc. Chúng có hệ thống hô hấp rất phát triển, có khả năng lấy oxy trực tiếp từ không khí.
Tại châu Phi, người dân địa phương thường bắt cá phổi bằng cách đào đất khô và moi chúng lên. Tuy nhiên, loài cá này được cho là có mùi nặng, khó ăn nên không phải du khách nào cũng có thể dễ dàng thích nghi khi ăn cá phổi.
Tại bang Queensland, Australia, cá phổi xuất hiện ở hệ thống sông Burnett và Mary, nằm phía đông nam của bang. Ngoài ra, chúng cũng từng xuất hiện gần các con sông ở Brisbane. Ở Australia cũng có nhiều công ty du lịch chuyên mở bán tour cho du khách, phục vụ sở thích câu cá. Các địa điểm có cá phổi thường nằm trong tour câu cá này.