Cậu phải rao bán 3 chiếc xe khách chạy tuyến cố định lẫn hợp đồng. Khởi đầu từ nghề lơ xe đò, cậu mợ tôi dành dụm tiền mua xe lam chở hàng, sau đó bắt đầu mua một chiếc xe khách, rồi ba chiếc xe, nghề chạy xe dịch vụ đã nuôi sống và làm nên cơ ngơi gia đình.
Tuy chỉ có 3 chiếc xe, nhưng "thương hiệu" xe của cậu tôi được bà con trong xã ưu ái, hễ có dịp đi chơi xa, cưới hỏi... đều thuê xe của cậu, dù bây giờ nghề chạy xe dịch vụ vấp phải sự cạnh tranh lớn.
Cậu có ba đứa con, nhưng đều có kinh doanh riêng, không ai theo nghề xe của cậu. Bây giờ, khi tuổi đã già, không đủ sức quản lý, cậu rao bán xe, cho tài xế nghỉ việc để rửa tay gác kiếm.
Cậu nói với tôi thật buồn, ba chiếc xe với nhiều công ty vận tải lớn quá nhỏ bé, nhưng với người tự thân vận động, đó là tài sản lớn, hơn nữa, đó là cái nghề cái nghiệp, nói bỏ thật khó, nhưng vì hoàn cảnh cũng không có lựa chọn nào khác.
Tôi có người bạn đại học, lần đầu về quê bạn chơi, chúng tôi khá bất ngờ vì nhà bạn là một quán hủ tíu khá lớn ở trung tâm tỉnh, đã truyền được hai đời. Nhưng đến đời bạn và các anh chị em trong nhà, không ai chọn theo nghề, đều gắn bó với ngành đã học.
Ba mẹ bạn nói với tôi có lẽ vài năm nữa cũng sẽ dẹp quán chứ không sang cho ai. Dẹp vì già rồi, không thức khuya dậy sớm nấu nướng được và dẹp vì sợ người khác nấu không ngon, làm ảnh hưởng đến bảng hiệu.
Theo Amusing Planet, trên toàn thế giới có hơn 5.500 công ty đã hơn 200 năm tuổi đến từ rất nhiều nước. Trong đó Nhật Bản là quốc gia số lượng công ty hơn 200 tuổi nhiều nhất danh sách này, với 3.000 doanh nghiệp. Sau Nhật Bản là Đức với 837 công ty, Hà Lan sở hữu 222 công ty, tiếp đến là Pháp với 196. Chỉ riêng Nhật Bản có đến hơn 21.000 công ty đã hơn 100 năm tuổi, ít nhất 19 doanh nghiệp khẳng định đã hơn 1.000 năm tuổi.
Ở Việt Nam, quá trình giao thương bắt nhịp chậm hơn, nên số lượng doanh nghiệp, công ty thành lập rất muộn. Nhưng dường như tôi thấy cả công ty, lẫn doanh nghiệp nhỏ, mang tính chất gia đình như quán ăn, chỉ truyền đến 2-3 đời là có dấu hiệu mai một vì nhiều lý do. Một trong số đó là con cái không chịu theo nghề hoặc người chủ không tìm ra người phó thác lại, khiến các công ty, doanh nghiệp nhỏ rơi vào trạng thái không người kế thừa, đành phải dẹp.
Trong khi đó, nói về thừa kế, chúng ta thường nghĩ đến tài sản tiền bạc, đất đai hơn là gìn giữ và phát huy sản nghiệp của gia đình, cha ông.
Đây là một điều rất đáng tiếc, vì với uy tín sẵn có qua nhiều năm, cộng thêm kinh nghiệm của người đi trước, thế hệ sau được ăn học bài bản, nếu gánh vác gia nghiệp, rất có thể chúng ta sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp chân chính, tầm cỡ thế giới.
Đình Bá
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.