Lin 23 tuổi, người Tương Dương, Hồ Bắc, đến thủ đô thuê nhà ở một năm nay. Đối với Lin, sống trong một không gian chật hẹp đâu có phải là điều anh muốn, và bao người nhập cư khác cũng nghĩ như anh.
"Không ai muốn sống ở một nơi chật chội nếu người ta có tiền. Giá thuê tại Bắc Kinh rất cao, và ngày càng cao. Ở rộng hơn thì tốn nhiều tiền hơn. Tôi đã sống trong một tầng hầm đông đúc trong nhiều tháng và tôi ghét ở đó. Nhưng những người như chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn", Feng nói.
Theo báo cáo và các quy định được công báo trên trang web của Ủy ban thành phố Bắc Kinh về nhà ở và phát triển đô thị và nông thôn ngày 18 tháng 7, quy định mới này giảm thiểu rủi ro cho những người đi thuê.

Tuy nhiên, chính sách này - cũng quy định rằng không được thay đổi các cấu trúc bên trong của căn hộ nhằm tạo ra nhiều phòng hơn để cho thuê, cấm sử dụng các phòng bếp, phòng tắm, ban công và tầng hầm để làm phòng ngủ - rất có thể sẽ gây khó khăn cho những công nhân nhập cư và có khả năng đẩy họ ra khỏi thành phố.
Quy định mới gây một cơn bão tranh luận trên các diễn đàn mạng, nhiều người lo rằng các quy định mới cũng sẽ có thể được áp dụng ở các Thượng Hải và Quảng Châu, các trung tâm kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do giá các căn hộ và giá thuê nhà cao, làm cho người thuê nhà không còn cách nào khác là đâm đầu vào những căn hộ kém chất lượng. Phần lớn người tranh luận cũng cho rằng lệnh cấm thuê nhà quá chật hẹp này sẽ chẳng đi đến đâu.
Cầu mạnh
Trong nhiều trường hợp, lao động nhập cư không có sự lựa chọn nào khác mà phải sống trong những không gian kiểu ký túc xá.
Wang Jianke là chủ sở hữu mấy nhà nghỉ bằng gỗ có hiên rộng, ông sử dụng chúng như ký túc xá cho thuê ở khu Tiantongyuan, Bắc Kinh, một trong những khu đông đúc nhất ở thành phố. Ông kiếm được hơn 16.000 nhân dân tệ (2.607USD) tiền cho thuê mỗi tháng.
Wang làm ăn với một khách sạn địa phương thuê nhiều người lao động tạm thời. Khách sạn đó gửi số công nhân của mình đến thuê các phòng ở của Wang.
Wang cho biết mỗi phòng ký túc xá là 10 mét vuông và có thể đủ cho bốn người. Mỗi người thuê nhà trả anh ta 100 nhân dân tệ mỗi tháng.
Những người chọn sống trong các loại ký túc xá như vậy thường có thu nhập thấp, bao gồm cả lao động nhập cư và sinh viên trẻ mới tốt nghiệp. Phần lớn họ buộc phải sống ở đó mặc dù điều kiện sống rất kham khổ.
Câu chuyện Feng cũng rất giống như vậy. Anh không sống trong một ký túc xá, nhưng điều kiện không hơn gì.
Feng cho biết, khi anh lần đầu tiên đến thành phố này vào năm 2012, anh kiếm được 2.500 nhân dân tệ mỗi tháng, nhưng tiền thuê một căn hộ 70 mét vuông xung quanh nơi làm việc của anh vào khoảng 4.000 nhân dân tệ, vì vậy anh đã phải sống trong một căn phòng 10 mét vuông trong một tầng hầm với giá 700 tệ mỗi tháng. Căn hầm ẩm ướt, nước thấm ra từ bên trong tường, không hề có biện pháp an toàn nào cả.
Tình cảnh của Feng được phản ánh trong bản thống kê về thu nhập. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Bắc Kinh, thu nhập dành cho chi tiêu bình quân đầu người trong năm 2012 là khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng, tương đương với giá cho thuê một căn hộ 60 mét vuông. Giá cao khiến người ta quay sang ở theo kiểu nhiều người chung một căn hộ.
Liu Weiwei, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và phát triển nhà ở tại Thượng Hải nói với Global Times rằng: "Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, nhu cầu thị trường đối với các căn hộ rất mạnh và không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ suy yếu đi”.
Cố gắng bất thành
Nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cũng đã có chủ trương tiến hành lệnh cấm như vậy đối với một số loại căn hộ nhất định nhưng đều không làm được.
Zhang Dawei, giám đốc tiếp thị của công ty Centaline Property đóng tại Bắc Kinh, nói rằng mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã công bố quy định để giải quyết những rối loạn trong thị trường nhà cho thuê, nhưng không đưa ra các điều mục cụ thể, làm cho nó khó thực hiện. Một lý do khác, như ông Liu đã chỉ ra, đó là nhiều chủ nhà không đăng ký với chính quyền mà các công ty môi giới bất động sản mới là bên thường ký các hợp đồng cho thuê.
Tình trạng ở quá tải được thấy rõ trong một vụ việc liên quan đến một căn hộ 80 mét vuông với hai phòng ngủ tại khu vực Shoucheng International. Khu liên hợp này nằm trong khu Shuangjing, Bắc Kinh, và căn hộ được cho là có 25 người thuê, nâng tổng số giá thuê lên trên 20.000 nhân dân tệ mỗi tháng so với 8.000 nhân dân tệ nếu căn hộ chỉ cho một người thuê, theo một bài viết trên Nhật báo Bắc Kinh số ra ngày 15 tháng 7.
Mặc dù trường hợp này là nghiêm trọng, công ty quản lý khu nhà dường như không hề biết sự việc đang diễn ra. "Không có cách nào để chúng tôi biết được chuyện gì đang xảy ra trong căn hộ của người dân. Nếu người dân có kế hoạch cho người khác thuê căn hộ của họ, họ trực tiếp thỏa thuận với công ty môi giới bất động sản một bản hợp đồng mà không cần thông báo cho chúng tôi. Tất cả điều chúng tôi có thể làm là hợp tác với cảnh sát khi họ điều tra", một nhân viên của công ty, không tiết lộ tên, cho biết.
Ít ra thì những người di cư dường như vẫn có được một thời gian dễ dàng hơn ở trong vùng ngoại ô của Bắc Kinh. Liu Ping, một đại lý bất động sản cho biết lệnh cấm không được thực thi nghiêm ngặt trong các khu vực đó và nhiều căn hộ đã được cải tạo để cho thuê.
Vấn đề toàn cầu
Không chỉ riêng Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Tại Hong Kong, giá nhà đất đã trở nên quá đắt đỏ tới mức một số người thậm chí phải sống trong căn hộ như là "cũi nhốt thú". "Cũi" là những căn hộ vô cùng nhỏ, có khi chỉ hơn hai mét vuông cho một người, được ngăn cách bởi các lồng sắt. Những người sống trong đó hầu hết là người già và người nghèo. Có tin khoảng 100.000 người đang sống trong các loại căn hộ như vậy.
Liu Weiwei nhận xét rằng việc điều tiết nhà ở không chỉ đơn thuần là dùng các quy định và kiểm soát. "Cấm đoán phải đi cùng các biện pháp xây dựng. Giá thuê nhà phải đủ thấp để người thuê có thể chấp nhận được", ông nói.
Phạm Ngọc Uyển (theo Global Times)