Trong hơn hai năm xung đột, Ukraine đã đối mặt với nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga, trong đó có mẫu UAV kiểu Shahed được cho là do Iran sản xuất. Để đối phó, Ukraine phải dựa vào lưới phòng không chắp vá của mình, cùng số lượng hạn chế tổ hợp tên lửa do phương Tây chuyển giao, do lực lượng của Kiev tự vận hành.
Hệ thống phòng thủ đó dường như không đủ giúp Ukraine đối phó các đòn tập kích ngày càng phức tạp của Nga. Tuần trước, nhà máy điện lớn nhất phục vụ khu vực Kiev đã bị phá hủy sau cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV. Hạ tầng năng lượng của Ukraine liên tục trở thành mục tiêu tập kích và hứng chịu thiệt hại lớn.
Kiev nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không để đối phó với vũ khí Nga. Tuy nhiên, những lời khẩn cầu của lãnh đạo Ukraine chưa được đáp ứng và gói viện trợ bổ sung 60 tỷ USD của Mỹ vẫn mắc kẹt tại quốc hội nước này.
Song một bức tranh khác về cách Mỹ và phương Tây hỗ trợ đồng minh đã được thể hiện cuối tuần trước. Khi Iran phóng hơn 300 tên lửa và UAV về phía Israel, các đồng minh của họ gồm Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đều sẵn sàng hỗ trợ tức thì. Với hệ thống Vòm Sắt tinh vi của mình, Israel đã cùng các đồng minh đánh chặn thành công 99% tên lửa và UAV của Iran, giúp giảm thiệt hại xuống mức không đáng kể.
"Cả thế giới đã thấy Israel không đơn độc trong nỗ lực phòng thủ. Mối đe dọa trên bầu trời đã được họ cùng đồng minh xóa sạch. Và khi Ukraine nói rằng các đồng minh của họ không nên nhắm mắt làm ngơ trước tên lửa và UAV của Nga, điều đó có nghĩa là cần phải có hành động táo bạo", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 14/4, một ngày sau vụ tập kích.
Ông Zelensky cho biết chỉ riêng trong tuần trước, Nga đã phóng gần 130 UAV kiểu Shahed, loại cũng được Iran sử dụng trong cuộc tập kích Israel ngày 13/4, 80 tên lửa và 700 quả bom dẫn đường vào Ukraine. Nhưng ông thêm rằng Kiev phải dựa vào chính mình, với nguồn cung đang cạn kiệt, mà không có sự tham gia trực tiếp của đồng minh nào.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng đề cập tới sự giúp đỡ trực tiếp mà đồng minh dành cho Israel khi kêu gọi phương Tây hỗ trợ. "Ngay cả khi các bạn không thể hành động như đã làm cho Israel, hãy cung cấp những thứ chúng tôi cần và chúng tôi sẽ lo phần việc còn lại", ông nói.
Ukraine cho biết họ cần 26 tổ hợp phòng không Patriot, mỗi hệ thống có giá hơn một tỷ USD, để bảo vệ toàn bộ đất nước. Mỹ và các đồng minh châu Âu tới nay mới chuyển giao khoảng ba tổ hợp cho Ukraine.
Mỹ cùng các đồng minh NATO trong những ngày đầu xung đột Nga - Ukraine đã phản đối lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay của Kiev, viện dẫn những thách thức về hậu cần và nguy cơ xung đột trực tiếp với quân đội Nga. Kể từ đó, đồng minh phương Tây cũng không cung cấp nhiều loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu như tên lửa tầm xa.
Thay vì giúp Ukraine tạo ra lưới phòng không đa tầng, hiện đại như Israel, phương Tây đã cung cấp những gói thiết bị chắp vá để ngăn các cuộc tấn công của Nga.
Mỹ và đồng minh NATO cũng nhiều lần bác bỏ ý tưởng can thiệp quân sự vào xung đột Ukraine. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây nói rằng không nên loại trừ khả năng gửi quân đội tới Ukraine, các lãnh đạo phương Tây đã nhanh chóng lên án ý tưởng này là nguy hiểm.
Nhiều quan chức Ukraine đã cố gắng không chỉ trích trực tiếp và công khai chính sách của Mỹ và đồng minh, lo ngại bị xem là "vô ơn" sau khi nhận nhiều hỗ trợ từ khi xung đột với Nga bắt đầu. Tuy nhiên, không ít quan chức Ukraine tỏ rõ sự ghen tị với hỗ trợ mà Israel nhận được từ các đồng minh.
Ihor Terekhov, thị trưởng Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine và là nơi hứng chịu nhiều đợt tập kích của Nga, cho biết ông chỉ mong có được sự bảo vệ như Israel.
"Tất nhiên tôi muốn có được cơ hội như vậy để bảo vệ thành phố trước các cuộc tấn công kiểu này. Cần phải bảo vệ cả Israel và Ukraine", Terekhov nói.
"Tôi cảm ơn mọi người trên thế giới, tất cả lãnh đạo và các nước đã hỗ trợ chúng tôi về phòng thủ và tên lửa. Những gì đã diễn ra ở Israel cho thấy sự đoàn kết giúp mang lại hiệu quả 100% trong tác chiến, khiến gần 100% tên lửa, UAV Shahed bị đánh chặn. Chúng tôi sẽ thảo luận điều này với đối tác", ông Zelensky cho hay.
Dù Đức cam kết gửi thêm một hệ thống Patriot để tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine và 4 nước châu Âu khẳng định sẽ chuyển khoảng 45 tiêm kích F-16 cho Kiev, các cường quốc phương Tây chưa bao giờ đề nghị kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng họ hoặc triển khai chiến đấu cơ của mình tới bảo vệ bầu trời Ukraine.
"Mọi người bắt đầu chỉ trích Mỹ", Volodymyr Dubovyk, phó giáo sư kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Quốc gia Odessa I.I. Mechnikov ở Ukraine, nói. Mỹ là "bên hỗ trợ mang tính quyết định với Ukraine trong hai năm đầu xung đột, nhưng giờ điều đó đã suy giảm".
Một số cựu quan chức Mỹ cũng chỉ trích sự ngần ngại của Washington trong nỗ lực ủng hộ Kiev. "Chỉ có sự rụt rè của Mỹ mới giải thích được tại sao chúng tôi không làm điều đó cho Ukraine", John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng cách tiếp cận của họ đối với Ukraine và Nga là phù hợp.
Trong khi cả Ukraine và Israel đều đối mặt cuộc không kích từ đối thủ, hai nước về cơ bản có mối quan hệ an ninh với Mỹ khác nhau. Rất ít quốc gia trên thế giới có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ hơn Israel. Hai nước chia sẻ thông tin tình báo tuyệt mật và hợp tác sâu rộng về các chính sách khu vực.
Bất chấp những bất đồng về quan điểm giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Benjamin Netanyahu liên quan đến chiến sự Gaza, Israel vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Mỹ không có hiệp ước quốc phòng với Israel và chỉ ràng buộc thông qua các gói viện trợ, song Tel Aviv nhiều thập kỷ qua là đối tác đáng tin cậy nhất của Washington ở Trung Đông.
Israel cũng là nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Theo thỏa thuận 10 năm ký kết năm 2019, Washington cam kết cung cấp cho Tel Aviv 38 tỷ USD viện trợ quân sự tới năm 2028. Hai bên hợp tác chặt chẽ về các hệ thống quân sự hiện đại, gồm mạng lưới phòng không Vòm Sắt mà Israel đã sử dụng để ngăn cuộc tập kích của Iran cuối tuần qua.
Sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022, nhiều người ủng hộ Kiev đã đề xuất mô hình quan hệ quốc phòng với phương Tây theo kiểu Israel. Tuy nhiên, ý tưởng không được thúc đẩy thêm, một phần vì nó đòi hỏi mức độ cam kết mà chưa quốc gia phương Tây nào sẵn sàng dành cho Ukraine.
"Chúng tôi vẫn biết ơn Mỹ vì những gì họ đã cung cấp. Song chúng tôi vẫn có chút buồn, bởi nếu sự giúp đỡ được trao đúng lúc, tình hình ở chiến trường sẽ hoàn toàn khác và chúng tôi có thể không mất nhiều mạng sống như thế", Serhiy Zaitsev, cư dân Kharkov, nói.
Nhiều nước ủng hộ Ukraine ở Đông Âu cũng lên tiếng sau khi chứng kiến Israel thành công ngăn chặn đòn tập kích của Iran.
"Sẽ rất hữu ích khi tăng cường hệ thống phòng thủ như của Israel và trang bị cho Ukraine", Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski nói trong bài đăng trên X.
"Tôi chắc chắn rằng Ukraine sẽ hỏi rằng nếu một quốc gia không thuộc NATO được Mỹ và đồng minh cung cấp hệ thống phòng không khi bị tấn công, tại sao Kiev không nhận được điều đó?", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói.
Khi được hỏi tại sao Anh không cung cấp hỗ trợ Ukraine như đã dành cho Israel, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói động thái như vậy "sẽ là leo thang nguy hiểm", có nguy cơ châm ngòi đụng độ trực tiếp giữa thành viên NATO với Nga.
John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cũng cho biết Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Washington sẽ không đảm nhận vai trò chiến đấu trực tiếp ở Ukraine. "Các cuộc xung đột khác nhau, không phận khác nhau và mối đe dọa cũng khác nhau", ông Kirby nói.
Song những lời giải thích đó dường như chỉ khiến người Ukraine thêm thất vọng và cho rằng Kiev "đơn độc" trong nỗ lực bảo vệ đất nước. "Ukraine nên rút ra kết luận gì? Chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính mình", nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko viết trên Telegram.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, Politico)