90% nhu cầu tôm nước Mỹ phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu. |
"Một lần nữa, chính quyền của ông Bush lại ra một văn bản pháp lý sai lầm về thương mại và có thể kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vô lý là ở chỗ, DOC đã chọn thuế suất cao nhất có thể để áp cho những bị đơn độc lập vốn đã nộp đơn và cung cấp đầy đủ hồ sơ xin hưởng thuế suất thấp. Các mức thuế công bố hôm nay sẽ chẳng làm được việc gì để giải quyết khó khăn cho ngành tôm trong nước, trong khi đó lại trừng phạt một cách không cần thiết đối với cả người tiêu dùng và những người lao động trong ngành hàng tiêu dùng liên quan tới tôm trên cả nước”, Wally Stevens, Chủ tịch CITAC, bất bình nói.
Theo ông Stevens, áp thuế ở bất cứ mức nào đối với tôm nhập khẩu từ bất kỳ nước nào đều là điều không mong muốn và vô cùng sai lầm. "Các nhà câu tôm trong nước không thể rũ bỏ những vấn đề phát sinh trong nội bộ của họ bằng cách trút gánh nặng lên người tiêu dùng và các doanh nghiệp vốn đang lệ thuộc hoàn toàn vào tôm nhập khẩu", ông chỉ trích.
CITAC trước đây đã công bố các nghiên cứu cho thấy nếu áp thuế chống bán phá giá, tôm và các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ đắt thêm 44% và mức giá cao đó sẽ làm sụt giảm 1/3 lượng tiêu thụ. Hiện tôm nhập khẩu từ 6 nước bị đơn đáp ứng 2/3 nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn nước Mỹ. CITAC cho rằng, nếu áp thuế bán phá giá với tôm nhập khẩu, người dân Mỹ sẽ khó có thể được hưởng sản phẩm cao cấp đó.
Ngay sau khi có phán quyết của DOC, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng phát đi thông cáo thể hiện quan điểm của mình. VASEP khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm tôm, không gây thiệt hại cho ngành đánh bắt và nuôi tôm Mỹ. Và vì vậy, quyết định không công bằng của DOC sẽ ảnh hưởng nguy hại đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu nông dân nuôi tôm ở các địa phương ven biển và hàng chục vạn công nhân trong các nhà máy chế biến. Theo VASEP, quyết định vô lý đó cũng gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng tôm và đe dọa việc làm của hàng vạn người lao động Mỹ trong những lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tôm nhập khẩu.
"Từ đầu vụ kiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã cộng tác tích cực, cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn mọi thông tin cần thiết cho DOC, thông qua việc trả lời hàng trăm câu hỏi của họ. Rất tiếc DOC đã không xem xét kỹ lưỡng và toàn diện các tư liệu đó, thiếu khách quan trong cách tính toán giá thành sản xuất tôm của Việt Nam, không sử dụng giá tôm nguyên liệu thực tế, mà dùng các số liệu không phản ảnh đúng tính chất thị trường của nền kinh tế Việt Nam", VASEP khẳng định trong thông cáo .
VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định rằng giống như các kết luận vô lý mà họ đã đưa ra trong vụ kiện cá tra, cá ba sa một năm trước đây, quyết định sai lầm này với mức biên phá giá cao vô lý của DOC thực chất là biện pháp bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng trong xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng mở rộng. VASEP đề nghị DOC xem xét lại quyết định không công bằng đó khi họ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 24/11 năm nay.
Song Linh