Pháp đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị chưa từng có sau khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) giành thắng lợi lịch sử trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội tối 30/6.
Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, RN đã giành hơn 9,3 triệu phiếu, kết quả tốt nhất mà một đảng ở Pháp đạt được trong vòng đầu bầu cử quốc hội kể từ năm 2007, thời điểm đảng trung hữu Pháp giành hơn 10 triệu phiếu bầu. RN và các đồng minh cực hữu đã kiểm soát 33% phiếu bầu, gần gấp đôi tỷ lệ 19% mà đảng này giành được hai năm trước.
Đứng ở vị trí thứ hai là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) với 28% phiếu bầu. Đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ nhận được 21% phiếu bầu, giảm từ mức 26% hai năm trước.
Khi Pháp chuẩn bị bước vào vòng hai bầu cử quốc hội ngày 7/7, nhiều cử tri ôn hòa lo ngại rằng RN sẽ giành đa số áp đảo trong 577 ghế tại quốc hội. Kết quả như vậy sẽ buộc ông Macron phải chấp nhận bổ nhiệm thủ tướng từ phe cực hữu.
20 năm trước, đảng Xã hội cánh tả đã quyết định ủng hộ ông Jacques Chirac, người thuộc đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân trung hữu, làm tổng thống Pháp để chống lại đà trỗi dậy của phe cực hữu do cha bà Le Pen lãnh đạo.
"Đất nước từng chung tay chống lại phe cực hữu. Nhưng ngày nay bầu không khí chính trị ở Pháp rất khác", Pierre Brechon, giáo sư khoa học chính trị tại Sciences Po Grenoble ở Pháp, nói. "Phe cực hữu giờ đây được tổ chức tốt, trong khi các đảng chính trị lớn phân mảnh và không còn hướng về một chính đảng duy nhất để chống lại họ".
Giới quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến các đảng cánh tả và trung dung Pháp chia rẽ sâu sắc bắt nguồn từ những bất đồng về cuộc chiến ở Dải Gaza của Israel cũng như chủ nghĩa bài Do Thái tại Pháp. Bất đồng này đã khiến các đảng hoài nghi về việc có nên liên minh với nhau để ngăn RN giành được đa số ghế trong vòng cuối cuộc bầu cử quốc hội hay không.
Mối bất hòa trở nên rõ ràng vào buổi sáng sau cuộc bầu cử vòng một, khi các lãnh đạo đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron cáo buộc một số ứng viên cực tả theo đuổi chủ nghĩa bài Do Thái và từ chối ủng hộ họ.
Cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel ngày 7/10/2023 và xung đột ở Dải Gaza đã thổi bùng chia rẽ trong chính trị Pháp, khiến chủ nghĩa bài Do Thái và chỉ trích Israel trở thành vấn đề chính trong cuộc bầu cử. Đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI), vốn giữ vai trò nòng cốt trong liên minh cánh tả NFP, đã chỉ trích gay gắt Israel, hành động mà chính phủ của ông Macron cáo buộc đã thúc đẩy các hành vi bài Do Thái ở Pháp.
NFP lại có lập trường lên án vụ tấn công của Hamas là hành động "thảm sát" và nói rằng "tất cả những ai gieo rắc thù hận với người Do Thái đều phải bị trừng phạt".
Bà Le Pen và giới lãnh đạo RN đã chỉ trích phe cực tả và bảo vệ Israel, lập luận rằng Pháp là nơi có cộng đồng người Do Thái lớn nhất ở châu Âu. Động thái này dường như đã góp phần giúp RN giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử.
Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng LFI, cho biết ứng viên của liên minh cánh tả đứng thứ ba ở các khu vực bầu cử nên bỏ cuộc, để ứng viên của RN và đảng Phục hưng đấu với nhau.
"Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, rõ ràng và trực tiếp: không để RN có thêm một phiếu bầu hay một ghế trong quốc hội", Melenchon nói.
Tuy nhiên, ông Melenchon trong phần lớn chiến dịch tranh cử đều chỉ trích ông Macron và những người ủng hộ LFI có thể sẽ không sẵn sàng ủng hộ đảng của Tổng thống Pháp vào vòng bầu cử cuối.
Trong khi Thủ tướng Gabriel Attal kêu gọi ứng viên đảng Phục hưng về thứ ba tại một số khu vực bầu cử rút khỏi cuộc đua để dồn phiếu cho ứng viên cánh tả ngăn RN, các thành viên cấp cao khác trong liên minh của ông từ chối khuyến khích người ủng hộ bỏ phiếu cho khối cánh tả nếu ứng viên đó thuộc LFI. Họ nói một số thành viên của LFI đã vượt ranh giới của chủ nghĩa bài Do Thái với những bình luận chỉ trích Israel.
"Tôi sẽ không ủng hộ hành động cực đoan này của đảng LFI", Yael Braun-Pivet, nhà lập pháp đảng Phục hưng kiêm Chủ tịch Quốc hội Pháp, nói.
Braun-Pivet, có cha là người Do Thái, đã hứng chịu nhiều lời lăng mạ và đe dọa từ nhóm người bài Do Thái sau khi xung đột Gaza bùng phát. Một số người thậm chí gửi thư đe dọa "chặt đầu" bà.
Melenchon đã phát biểu bên cạnh Rima Hassan, người gây nhiều tranh cãi trong LFI và đang bị điều tra vì những bình luận được cho là dung túng cho Hamas. Hassan, người được bầu vào Nghị viện châu Âu tháng trước, đã cho rằng vụ đột kích của Hamas vào miền nam Israel là "hợp pháp".
"Đây là sự khiêu khích", Chủ tịch Quốc hội Pháp Braun-Pivet nói khi được hỏi về sự xuất hiện của Hassan tại sự kiện vận động tối 30/6.
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, thành viên đảng Phục hưng của ông Macron, kêu gọi cử tri ủng hộ ứng viên cánh tả, miễn là họ không phải đại diện cho LFI.
"Đảng Nước Pháp Bất khuất chống lại nước Pháp. Họ theo chủ nghĩa bài Do Thái", Le Maire nói.
Các lãnh đạo LFI cho rằng những lời chỉ trích của họ đối với Israel không vượt qua ranh giới chủ nghĩa bài Do Thái. "Vẫy cờ Palestine không có nghĩa bạn là người bài Do Thái", Manuel Bompard, điều phối viên của đảng, nói.
Kết quả bầu cử vòng một tối 30/6 cho thấy nước Pháp đang nghiêng về chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư, tư tưởng đang lan rộng ở châu Âu những năm gần đây. Tổng thống Macron và đảng của ông chưa thể ngăn làn sóng này, bất chấp những nỗ lực siết chặt luật nhập cư ở Pháp.
Các nhà phân tích dự đoán đảng Phục hưng sẽ mất nhiều trong số 245 ghế mà họ đang nắm giữ ở quốc hội. Đây sẽ là thất bại nặng nề đối với ông Macron và phe trung dung.
Cử tri Pháp ngày càng có xu hướng tìm kiếm những chính trị gia có lập trường chống nhập cư và giảm bớt ảnh hưởng Hồi giáo trong đời sống cộng đồng.
Lãnh đạo đảng cực hữu RN dường như đáp ứng mong mỏi này của nhiều cử tri. Họ đang được xem là một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho Israel ở Pháp. Nhiều người Do Thái ở Pháp nói rằng sẽ không ngần ngại bỏ phiếu cho RN nếu lựa chọn còn lại là ứng viên thuộc liên minh cánh tả.
RN cũng đã cam kết hạn chế quyền của người nhập cư hợp pháp tại Pháp và siết chặt khả năng nhóm người này được hưởng quyền công dân, phúc lợi và nhà ở xã hội. Đảng cựu hữu cũng đang thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, bãi bỏ quyền công dân cho con cái người nước ngoài sinh ra tại Pháp. Họ còn muốn cấm phụ nữ đội khăn trùm đầu Hồi giáo ở khu vực công cộng, kể cả vỉa hè ở Paris.
Năm 2017, RN chỉ giành được 8 ghế trong quốc hội. Năm 2022, đảng này trở thành đảng đối lập lớn nhất với 89 ghế. Một số cuộc thăm dò ngày 30/6 cho thấy RN có thể giành ít nhất 230 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay.
Douglas Webber, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kinh doanh INSEAD tại Pháp, cho biết lợi thế lớn nhất của RN trong cuộc bầu cử là họ chưa từng nắm quyền và không thể bị đổ lỗi cho tình trạng chia rẽ hiện tại ở Pháp.
"Trong 30 năm qua, người Pháp đã trải qua chính quyền của cánh hữu ôn hòa và cánh tả ôn hòa. Nhưng họ chưa từng trải nghiệm quyền lực trong tay phe cực hữu", Webber nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, CSMonitor)