Nhiều du khách thăm Nam Phi và tìm đến Mũi Hảo Vọng vì tin rằng đó là cực Nam của châu Phi. Nơi đây được nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias tìm thấy năm 1488 khi vòng qua các mũi đất của bán đảo Nam Phi.
Trở thành người châu Âu đầu tiên khai thông tuyến đường biển từ châu Âu đến châu Á, ông đặt tên là “Mũi bão tố” vì vùng biển ở đây đầy nguy hiểm. Sau này mũi được đổi tên là “Hảo Vọng” vì nó mang lại kỳ vọng cho một tuyến đường biển mới đi đến Ấn Độ. Trên đường trở về, Dias đã vòng qua một mũi đá khác, sau này gọi là Mũi Agulhas mà không biết rằng địa điểm không mấy ấn tượng này mới chính là cực Nam của châu Phi.
Mũi Agulhas là mũi đá nằm kín đáo và cách Mũi Hảo Vọng 150 km về phía nam. Thật ngẫu nhiên, Mũi Agulhas cũng là ranh giới chính thức, nơi Ấn Độ Dương gặp Đại Tây Dương. Một tấm bia đá được dựng lên trên bờ biển để đánh dấu nơi này.
Ranh giới này không phải được chọn một cách “võ đoán”. Đây là nơi dòng hải lưu ấm Agulhas của Ấn Độ Dương gặp dòng hải lưu lạnh Bengula của Đại Tây Dương và quay vòng trở lại. Tuy nhiên, rất khó xác định điểm hội tụ hoặc ranh giới phân chia giữa hai đại dương vì thực tế là các dòng chảy không dừng lại ở bất cứ đâu, chúng luôn thay đổi và trộn lẫn với nhau.
Nơi giao nhau của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương từ xưa đến nay vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận nảy lửa ở Nam Phi. Điểm gốc của vấn đề là nơi gặp nhau của hai dòng hải lưu Agulhas và Benguela có xu hướng thay đổi theo mùa giữa Mũi Agulhas và Mũi Point, một mũi đất chỉ cách mũi Hảo Vọng khoảng 1,2 km về phía đông.
Theo các nhà sinh học biển, nơi gặp nhau thực sự của hai dòng hải lưu có thể được xác định bằng cách quan sát điểm khác nhau của các sinh vật biển, do sự thay đổi nhiệt độ của các dòng hải lưu gây ra. Ví dụ như rừng tảo bẹ dày đặc (thích hợp với nước lạnh hơn) mọc suốt vùng bờ biển phía tây, ngang qua Mũi Point về hướng đông và cách xa Mũi Agulhas. Điều này hỗ trợ cho lập luận rằng đường phân chia giữa hai dòng nước ấm và lạnh diễn ra tại Mũi Agulhas thường xuyên hơn các nơi khác.
Tuy nhiên, người dân sống tại Mũi Agulhas lại khá thất vọng vì khách du lịch đến đây để chứng kiến cảnh sóng biển Ấn Độ Dương “tranh tài” cùng sóng biển Đại Tây Dương lại chọn đến Mũi Point nhiều hơn Agulhas do nghĩ rằng đó mới là ranh giới của hai đại dương.
Thậm chí các cửa hàng ở Point khi bán các mặt hàng lưu niệm như cốc cà phê, áo thun, bộ sưu tập các loại muỗng và các chai nước biển… cũng lập lờ khi tất cả đều ghi dòng chữ: "Mũi Point, Nam Phi: Nơi hai đại dương hội ngộ".
Một trong những lý do làm cho Mũi Agulhas không thu hút được du khách là vì cảnh quan đơn điệu và không hấp dẫn như ở Mũi Point.
"Đứng ở Mũi Point là một trải nghiệm giống như đứng trên vách đá của Grand Canyon", nhà báo John Murphy viết trong tờ Baltimore Sun.
Theo nhà báo này, có quá nhiều thứ lọt vào trong tầm mắt. Du khách có xu hướng dừng lại trước khi quyết định bước đến nơi chụp ảnh trong sự sợ hãi vì những gì hiện ra trước mắt họ: các vách đá ấn tượng, biển trông như bị đun sôi từ dưới đáy và cuồn cuộn phun lên, các loài chim biển cưỡi gió, ở xa xa về hướng nam những con cá voi quẫy mình trên sóng.
Xem thêm: Một bước chân qua hai đại dương
Tuấn Quyền