Sáng nay, lái xe trên đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội để trở về nhà, tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông đang đứng tiểu bậy ở ngay giữa bồn cây cảnh công cộng đoạn gần Bưu điện Hà Đông. Mặc dù bồn cây này được trồng với mục đích để con đường trở nên xanh, sạch, đẹp nhưng nhiều người sẵn sàng tiểu bậy ngay trước mắt của bao nhiêu người qua lại, trong lúc người và phương tiện lưu thông dày đặc, rất phản cảm.
Hình ảnh xấu xí đó khiến bao nhiêu cảm xúc tốt đẹp của tôi hoàn toàn tan biến. Thay vào đó là những suy nghĩ trăn trở về vấn nạn này. Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi phải đi ngang qua những người đàn ông đang đi tiểu trên đường. Không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, vẻ đẹp của một thành phố văn minh, mà nó đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải miễn cưỡng chứng kiến.
Là con người trong thế kỷ 21, thời kỳ của công nghệ, văn minh, ý thức con người phải rất cao, việc tiểu bậy đáng nhẽ phải là vấn đề không được tồn tại trong xã hội. Thế nhưng, bản thân tôi hàng ngày đi làm vẫn không ít lần nhìn thấy hình ảnh người ta tiểu bậy. Nhất là ở khu vực có nhiều quán nhậu. Thật sự, đó là hành động đáng chê trách bởi làm xấu đi hình ảnh của thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt của các du khách nước ngoài.
Dù pháp luật Việt Nam đã có chế tài xử phạt cho hành động này, nhưng đến nay, công tác thực thi của các cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt, thế nên vấn nạn tiểu bậy vẫn cứ tiếp diễn. Do đó, chúng ta cần có những biện pháp đặc biệt mạnh mẽ để xử lý triệt để tình trạng này. Để chống tiểu bậy, tôi cho rằng chúng ta nên sử dụng kết hợp giáo dục, luật pháp và khoa học, kỹ thuật.
Thứ nhất, đồng ý rằng nhu cầu vệ sinh cá nhân là tất yếu. Nhưng mỗi người dân khi ra đường cần phải đảm bảo giải quyết nhu cầu cá nhân một cách hợp lý, đúng nơi, đúng chỗ, chứ không thể bạ đâu tiểu đấy. Trong trường hợp đi trên đường mà không có nhà vệ sinh công cộng, các đơn giản nhất là tìm một quán cà phê hay nhà hàng gần nhất để vào và xin đi vệ sinh một cách lịch sự. Không thiếu gì cách để giải quyết vấn đề này, chỉ là chúng ta có ý thức hay không mà thôi.
Thứ hai, bên cạnh ý thức của mỗi người, chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng nhà vệ sinh công cộng nhiều hơn và đặt tại những vị trí dễ tìm kiếm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Các nhà vệ sinh cần bố trí dày hơn, nhưng phải tạo ra cảm giác sạch sẽ, thuận tiện, thoải mái khi vào đó và đặc biệt là cần miễn phí để khuyến khích người dân sử dụng. Tôi luôn thích vào những nhà vệ sinh do người Nhật xây dựng, ví dụ như nhà vệ sinh trong siêu thị. Nếu Hà Nội cũng xây dựng được nhiều nhà vệ sinh sạch đẹp như thế, tôi tin rằng tình trạng tiểu bậy sẽ giảm đi nhiều.
>> Nhà vệ sinh công cộng thiếu, không sạch sẽ
Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các lực lượng phát hiện và xử phạt hành vi tiểu bậy, nếu không tình trạng này sẽ không thể được cải thiện. Bố trí người như thế nào để thực hiện xử lý các hành vi vi phạm này mới là điều quan trọng và đó là bài toán đặt ra cho chính quyền địa phương.
Thứ tư, cần lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường, khu vực công cộng và tăng cường kiểm tra, xử phạt người tiểu bậy. Việc xử phạt có nghiêm khắc không, lực lượng nào đứng ra chủ trì, cơ chế xử lý như thế nào để người dân sợ và không dám vi phạm mới là vấn đề đáng bàn.
Thứ năm, chúng ta vẫn cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, trình độ dân trí về giữ vệ sinh công cộng. Vận động để mọi người, mọi nhà cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng đô thị văn minh, bài trừ những hành vi xấu nơi công cộng. Nếu ý thức người dân không thay đổi thì cuối cùng Hà Nội vẫn sẽ nhếch nhác, bẩn thỉu.
Thứ sáu, nghiên cứu sử dụng loại sơn kỵ nước, có tác dụng bắn ngược trở lại mọi tia chất lỏng giống như nước ngoài. Chúng ta có thể quét sơn này lên tường các khu du lịch, các khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng để ngăn chặn hành vi tiểu bậy.
Thứ bảy, cần có chế độ thưởng cho người dân cung cấp thông tin về người tiểu bậy.
Thứ tám, công khai thông tin người vi phạm, cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng. Để thay đổi một thói quen xấu, đôi khi chúng ta buộc phải áp dụng những biện pháp quyết liệt.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần cùng nhau giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao ý thức nếp sống văn minh để lại hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài, để nạn tiểu bậy sẽ không còn là nỗi ám ảnh của người Việt mỗi khi ra đường. Hình ảnh đẹp của thành phố thể hiện qua cách ứng xử văn minh trong nhận thức, lời nói và hành vi của mỗi người công dân, từ gia đình cho đến nơi công cộng. Nền tảng của một xã hội văn minh được bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và rất đỗi bình thường như vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.