Tại công văn gửi các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế tỉnh, thành áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế, công khai thông tin người nợ thuế trên 90 ngày. Các biện pháp này có thể được xem xét áp dụng đồng thời nhằm tăng hiệu quả quản lý thuế.
Cùng với đó, cơ quan này đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với người có khoản nợ thuế quá hạn bị cưỡng chế, đặc biệt doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh có thể tra cứu trên website của ngành thuế và các ứng dụng etax, etaxmobile. Cơ quan thuế sẽ thường xuyên rà soát để kịp thời gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định này.
Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi.
Tại họp báo tuần trước, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định luật không quy định khoản nợ thuế nhỏ hay lớn. Do đó, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể giá trị của khoản này.
"Đây là các biện pháp được Nhà nước trang bị, yêu cầu cơ quan thuế thực hiện để đảm bảo các khoản thu ngân sách. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp trong nhiều biện pháp cưỡng chế với các doanh nghiệp nợ thuế", ông Minh nói. Song, ông cũng khẳng định cơ quan thuế cân nhắc các biện pháp cưỡng chế phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Phương Dung