Trong một năm bình thường, Hopkins, 43 tuổi, và chồng, Ian Boschen, 41 tuổi, có thu nhập khoảng 175.000 USD, đủ để trang trải khoản vay mua nhà, thuê hai xe hơi, khoản vay sinh viên, thanh toán thẻ tín dụng và nuôi hai cô con gái.
Sau khi Covid-19 bùng phát, nhiều tòa án đóng cửa, các vụ kiện vì thế cũng bị hoãn lại, công việc của Hopkins không còn. Cô cho biết trợ cấp thất nghiệp có giúp ích phần nào nhưng gia đình Hopkins đang cạn kiệt dần tiền tiết kiệm và không thể thanh toán đủ 9.000 USD tiền trả nợ hàng tháng, bao gồm cả khoản vay mua nhà.
"Tôi tuyệt vọng vì không thể kiếm sống", cô nói. "Tôi có bằng luật và gần 20 năm hành nghề".
Hàng triệu người Mỹ đã mất việc vì Covid-19 khi nhà hàng, cửa hiệu và các cơ sở công cộng khác phải đóng cửa, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tầng lớp lao động thu nhập thấp là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch nhưng cuộc khủng hoảng cũng tạo ra thách thức chưa từng có đối với tầng lớp trung lưu Mỹ.
Nợ không phải vấn đề quá lớn trước đại dịch. Thị trường việc làm đang bùng nổ và thu nhập trung bình đang tăng lên, cho phép các hộ gia đình theo kịp những khoản trả nợ.
Trước đại dịch, tổng nợ tiêu dùng của người dân Mỹ là 4,2 nghìn tỷ USD, không bao gồm khoản vay mua nhà, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Nếu bao gồm cả nợ mua nhà, con số tổng sẽ lên đến 14,2 nghìn tỷ.
Covid-19 tác động tới gần như tất cả các ngành nghề và các khoản trợ cấp thất nghiệp dù đã được điều chỉnh tăng thêm vẫn không thể bù đắp thiệt hại cho những lao động thu nhập cao, đặc biệt là ở những thành phố đắt đỏ. Hồi tháng 7, khoản trợ cấp thêm trị giá 600 USD một người mỗi tuần được chính phủ thông qua nhằm giúp người dân trụ vững trước đại dịch đã hết hạn, càng làm gia tăng gánh nặng đối với họ.
"Thứ tôi nhìn thấy là một cuộc tấn công nhằm vào những gia đình có học thức và thành công, thành phần cốt lõi mới của các gia đình trung lưu Mỹ", Anthony Carnevale, giám đốc Trung tâm GIáo dục và Lao động thuộc Đại học Georgetown, nhận định. "Một lực lượng lao động chuyên nghiệp đang bị sa thải".
Gần 6 tháng chìm trong đại dịch, nhiều ngân hàng đã cho phép người vay hoãn trả các khoản thanh toán hàng tháng, nhưng nay họ buộc phải yêu cầu người vay nối lại việc trả nợ.
Nợ thẻ tín dụng đã giảm trong những tháng gần đây. Nhưng phần lớn hỗ trợ của chính phủ đã không còn và quốc hội hiện vẫn tranh cãi về gói cứu trợ Covid-19 thứ hai.
Tổng thống Donald Trump hồi tháng 8 ký một sắc lệnh hành pháp tăng thêm 300 USD mỗi tuần vào khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang. Tuy nhiên, khoản chi này vẫn chưa được tất cả các bang triển khai và phe Dân chủ cáo buộc Tổng thống đã vi phạm quyền chi tiêu của quốc hội.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức gần 15% ở thời điểm đỉnh dịch, nhưng vẫn đứng ở mức 8,4% hồi tháng 8, tăng 3,5% so với tháng hai. Tỷ lệ thất nghiệp trong ngành nghệ thuật, thiết kế, truyền thông, thể thao và giải trí là 12,7% vào tháng 8, gần gấp ba mức cùng kỳ năm ngoái. Trong ngành giáo dục, tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 tăng hơn hai lần so với một năm trước, ở mức 10,2%. Tỷ lệ thất nghiệp ở ngành bán lẻ và văn phòng là 7,8%, tăng từ mức 3,8% tháng 8/2019.
Nhóm nghề kỹ sư và kiến trúc sư, những người có mức thu nhập trước thuế trung bình hàng tuần đạt 1.826 USD, cao hơn mức trung bình 1.389 USD của nhóm người làm công ăn lương toàn thời gian, giờ đây chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 0,8% lên 3,7% sau một năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở ngành toán học và công nghệ thông tin, thu nhập trung bình 1.919 USD/tuần, tăng hơn ba lần lên 4,6%.
Dù vậy, tình hình vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn. "Những đợt sa thải nhân viên cổ cồn trắng sẽ tiếp tục diễn ra", Roger Hochschild, giám đốc điều hành công ty tài chính Discover Financial Services, bình luận.
Lynn Scott-White, 47 tuổi, đã phải nghỉ phép không lương với công việc đại lý phân phối tour du lịch đoàn hồi tháng ba. Trước dịch, cô và chống kiếm được khoảng 150.000 USD một năm.
Cặp đôi ở Denton, Texas, trả 4.400 USD một tháng trả tiền vay mua nhà, 4 khoản vay và thuê xe hơi cùng nợ sinh viên. Tổng số tiền thanh toán tối thiểu bằng thẻ tín dụng hàng tháng là khoảng 700 USD. Họ có thể quản lý tốt các món nợ trước đại dịch.
Dịch bệnh ập đến, cô phải hoãn khoản thanh toán chiếc xe hơi Infiniti QX60 của mình trong ba tháng nhưng đã bắt đầu trả lại bằng trợ cấp thất nghiệp. Sau 24 năm làm việc trong ngành lữ hành, du lịch, Scott-White chuẩn bị chuyển việc, bởi có lẽ còn rất lâu nữa du lịch đoàn mới trở lại được như trước đây.
Tháng trước, giám đốc cho cô lựa chọn giữa nghỉ việc và nhận bồi thường số tiền bằng một tuần lương hiện tại nhân với số năm làm việc hay tiếp tục nghỉ việc không lương cho tới ít nhất cuối tháng ba năm sau.
Cô quyết định xin nghỉ hẳn, nhận khoản trợ cấp thôi việc. Scott-White quay trở lại đại học hoàn thành nốt bằng cử nhân về động học nhằm theo đuổi sự nghiệp y tế thể thao. Cô vay 5.000 USD từ quỹ hưu trí 401(k) để trang trải tiền học.
Terri Smith, 64 tuổi, cho biết công việc phân tích chi phí pháp lý cho chủ công ty của bà đã bị loại bỏ trong một đợt cắt giảm nhân sự. Dù được nhận thêm 600 USD mỗi tuần, trợ cấp thất nghiệp không đủ bù đắp cho khoản thu nhập bị mất của bà. Và nay, số tiền bà nhận được chỉ còn 285 USD.
Tiền trả nợ vay mua nhà hàng tháng của bà là 1.550 USD, tiền trả nợ mua xe là 550 USD, bảo hiểm sức khỏe là 600 USD/tháng và một chuyến khám bệnh gần đây khiến Smith phải trả thêm 7.500 USD tiền túi. Bà phải dùng tới tiền tiết kiệm để trả đủ các khoản nợ và hóa đơn. Bà đang tính rút tiền khỏi quỹ hưu trí 401(k) hoặc đăng ký vay trả chậm cho tới khi tìm được việc.
"Tôi không có bất kỳ kế hoạch nào. Tình cảnh của tôi vô cùng tồi tệ", bà nói. "Tôi rất lo lắng".
Thu nhập của Steven Sickinger sụt giảm đáng kể vào mùa xuân vừa qua khi khách hàng không còn tìm đến cửa hàng sửa chữa xe hơi do ông quản lý. Sợ rằng cửa hàng có thể phải đóng cửa, Sickinger, 55 tuổi, nghỉ việc và nhận một công việc khác mà ông cho là an toàn hơn với mức lương 50.000 USD, thấp hơn 35% so với mức lương cũ 77.000 USD của ông.
Lương giảm khiến người đàn ông ở Tucson, Arizona, gặp không ít khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn. Ông đang nợ thẻ tín dụng ít nhất 24.000 USD. Ông đã không dùng thẻ tín dụng nhiều tháng qua nhưng tiền lãi và phí trả chậm đang đẩy số nợ lên cao.
8 thẻ tín dụng của Sickinger đang trong tình trạng thanh toán chậm. Trước dịch, từ năm 2014, hồ sơ trả nợ tín dụng của ông luôn đúng hạn.
Kế hoạch của ông là trả hết nợ trong khoảng 2,5 năm nữa và sau đó lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Giờ đây, Sickinger cho biết ông đang trong quá trình nộp đơn xin phá sản. "Tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi được tình cảnh này", ông nói.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)