Warp Speed (Thần tốc) được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 4, với trọng tâm đẩy nhanh việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 thông qua việc phối hợp giữa chính phủ và các doanh nghiệp vaccine tư nhân.
Cách tiếp cận "chạy đua với thời gian" này của chính phủ Mỹ không phải là không hợp lý, giáo sư Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia, giáo sư nhi khoa, virus phân tử và vi sinh tại Đại học Y Baylor, cho biết. Tuy nhiên, cách họ truyền đạt thông tin về nó khiến mọi người cảm thấy sợ hãi, ông nói thêm.
"Cách thông điệp được đưa ra từ Chiến dịch Thần tốc tạo ra rất nhiều hỗn loạn và nhầm lẫn. Nó còn tạo điều kiện cho phong trào chống vaccine trỗi dậy", Hotez lưu ý.
Hồi đầu tháng 6, một nguồn tin thuộc nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cho hay chương trình Thần tốc đã chọn ra 5 công ty có năng lực nhất trong việc điều chế vaccine Covid-19 từ danh sách 14 công ty ban đầu.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết ông hy vọng 100.000 liều vaccine do công ty công nghệ sinh học Moderna sản xuất có thể được tung ra thị trường vào cuối năm nay nếu nó cho thấy rõ ràng khả năng bảo vệ con người trước nCoV trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra.
Theo ông, một ứng viên khác cũng có thể sẵn sàng vào đầu tháng 1/2021. Tốc độ này đã được đẩy nhanh đáng kể bởi thông thường, việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine phải mất nhiều năm.
"Cách chính quyền truyền đi thông điệp gây hoang mang bởi họ tập trung quá nhiều vào việc vaccine được phát triển nhanh như thế nào", tiến sĩ Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine kiêm giáo sư nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, nhận xét. "Nó khiến mọi người nghĩ rằng họ đang bỏ qua những bước quan trọng".
Hotez và Offit đều từng dành nhiều năm chống lại những nỗ lực bài vaccine có tổ chức và đang cố gắng tìm cách thay đổi nhận thức của những người hoài nghi và sợ hãi trước vaccine.
"Những thành phần bài vaccine sẽ nói gì?", Hotez đặt câu hỏi. "Họ nói rằng chúng ta đang quá vội vã phát triển vaccine, chúng ta không kiểm tra, đánh giá đầy đủ độ an toàn của vaccine và chính phủ có quan hệ ngầm mờ ám với các công ty dược".
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Francis Collins cho rằng hoài nghi về tính an toàn của vaccine Covid-19 có thể khiến nhiều người không sẵn sàng tiêm phòng.
Offit lo ngại các công ty nghiên cứ và chính phủ có thể bỏ qua một số bước an toàn nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine. Nếu đúng, việc làm này là vô cùng nguy hiểm và sẽ tiếp tục làm xói mòn thêm lòng tin đối với chính quyền.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu những vaccine Covid-19 tiềm năng đã bác bỏ các hoài nghi, khẳng định tốc độ phát triển vaccine nhanh chóng là kết quả của việc đầu tư mạnh tay, không phải do cắt ngắn các bước khoa học.
Việc phát triển một loại vaccine mới rất tốn kém và thông thường phải trải qua lần lượt ba giai đoạn thử nghiệm. Nhưng nay, tất cả các bước kể trên đều diễn ra đồng thời. Nó đòi hỏi chi phí đầu tư khổng lồ, nhưng không làm mất đi tính toàn vẹn khoa học của quy trình.
"Tôi nghĩ tiến hành nhanh không nhất thiết đồng nghĩa với vội vàng. Vội vàng thường đi đôi với cẩu thả. Phát triển nhanh có thể đạt được nhờ cải thiện hiệu quả và giảm thời gian chết", bác sĩ Dan Barouch, giáo sư dược tại Trường Y Harvard, nói.
"Tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đều phải trải qua một lượng lớn thử nghiệm an toàn. Không có bước thử nghiệm an toàn nào bị bỏ qua cả", Deborah Lynn Fuller, giáo sư vi sinh tại Trường Y Đại học Washington, cho hay.
Trong khi đó, các công ty còn đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất ngay cả khi chưa rõ vaccine có hoạt động hiệu quả hay không. Họ được hỗ trợ tài chính không nhỏ từ chương trình Thần tốc.
"Các công ty dẫn đầu thị trường đang bắt đầu sản xuất vaccine hàng loạt, trước cả khi họ có bằng chứng cho thấy vaccine đó thành công", Barouch cho biết. "Nếu vaccine thất bại, hàng triệu liều sẽ bị loại bỏ. Theo hiểu biết của tôi về lịch sử dược phẩm, điều này chưa từng được thực hiện trước đây".
Trong khi đó, Offit lo sợ rằng vì hàng triệu liều đã được sản xuất nên chính quyền Trump có thể sẽ gây áp lực để phê duyệt vaccine được chương trình Thần tốc hỗ trợ dù dữ liệu an toàn còn chưa đầy đủ. "Điều gì sẽ xảy ra nếu vaccine kém hiệu quả hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Trong trường hợp đó, bạn đã làm lung lay niềm tin mong manh về vaccine", ông nói.
27% người thưởng thành Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm vaccine Covid-19 nếu nó được phê chuẩn, theo một cuộc thăm dò do ABC News/Washington Post thực hiện hồi tháng 5. Một nửa trong số những người này nói họ không tin tưởng các loại vaccine nói chung.
Các chuyên gia y tế công cộng trong chính quyền, như Cục trưởng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn, liên tục nhấn mạnh rằng họ sẽ không cắt giảm bất kỳ bước nào trong quy trình nghiên cứu, chế tạo vaccine và rằng FDA đang tuân thủ tất cả các quy trình thông thường nhằm đảm bảo vaccine hiệu quả và an toàn.
FDA là một cơ quan độc lập với chính quyền và Hahn cho hay các loại vaccine được Chiến dịch Thần tốc hỗ trợ không nhận được bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào.
"Tôi nhiều lần được hỏi rằng liệu FDA có phải chịu bất kỳ áp lực không phù hợp nào để đưa ra các quyết định không dựa trên dữ liệu và bằng chứng khoa học tốt hay không. Tôi khẳng định mọi quyết định của FDA đều đã và sẽ chỉ dựa trên dữ liệu và bằng chứng khoa học tốt. Người dân có thể tin vào cam kết đó", ông viết trong một bài xã luận đăng trên Washington Post hôm 5/8.
Một vaccine sẽ chỉ được FDA cấp phép khi có đủ bằng chứng cho thấy nó phát huy hiệu quả trong các thử nghiệm giai đoạn cuối trên ít nhất 30.000 người. Hahn thêm rằng FDA cũng sẽ tham vấn một ban cố vấn gồm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về những xung đột lợi ích tiềm tàng.
Nếu một vaccine được FDA đánh giá là an toàn và hiệu quả dựa trên những bằng chứng thu từ các cuộc thử nghiệm, nó nhiều khả năng sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao trước khi phổ biến rộng rãi.
Các nhà khoa học tham gia phát triển vaccine Covid-19 cũng cho hay họ không nhận thấy bất kỳ tác động chính trị nào đối với quá trình nghiên cứu. Nếu có hiện tượng đó xảy ra, họ sẽ là những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo.
"Nhận thức của công chúng cực kỳ quan trọng bởi nếu người dân không tin tưởng, họ sẽ không sẵn sàng tham gia các nghiên cứu giai đoạn cuối và không sẵn sàng tiêm vaccine khi chúng được phổ cập", Barouch đánh giá.
"Thái độ không tin tưởng của người dân sẽ khiến việc tuyển người tham gia nghiên cứu trở nên khó khăn hơn", tiến sĩ Arthur Caplan, giám đốc Ban Đạo đức Y khoa thuộc Trường Y Grossman, Đại học New York, nói.
Như hầu hết các nhà khoa học, Caplan ủng hộ mạnh mẽ vaccine, nhưng ông cũng bày tỏ lo lắng về việc chính phủ đang quá tập trung truyền thông điệp liên quan đến tốc độ phát triển.
"Tôi lo ngại rằng chúng ta đang khiến mọi người sợ hãi khi nói về tốc độ", ông cho hay.
Vũ Hoàng (Theo CNN, ABC News)