Tôi không được sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng luôn cảm thấy mình thật may mắn. May mắn vì được hưởng sự giàu có của tình thương. May mắn vì cuộc đời có được đến hai người má. Một người là má ruột, một người là má tư...
Tôi nghe ngoại kể, lúc mẹ sinh tôi được hơn tháng, nhà ngoại khi đó nghèo lắm. Má tôi lại thiếu sữa. Tôi khát sữa nên cứ khóc ngằn ngặt. Má ruột tôi nuốt nước mắt vào lòng xa con để lên thành phố đi làm ở khu công nghiệp. Những ngày đầu khát sữa, nhớ hơi má tôi cứ khóc mãi. Tới cử nấu cơm, ngoại chắt nước cơm đặc, pha tí đường rồi cho tôi uống.
Thương cháu nên ngoại đánh liều mang tôi sang nhà má tư xin cho bú thép. Má tư có người con lớn hơn tôi chưa đầy một tuổi. Lúc má tư đi làm ngoài đồng, bà nội mải làm việc nhà, sơ ý để con má sảy chân té xuống ao cạnh nhà mà không hay. Má tư về tới nhà, đau đớn ngất lịm. Có lẽ vì nhớ thương con nên khi ngoại mang tôi sang, má tư cưng nựng tôi như thể là con của mình.
Còn tôi, lâu ngày xa má ruột, đói sữa nên quấn lấy má tư ngay. Cứ như vậy mà bện hơi nhau lúc nào không hay. Khi tôi biết bập bẹ, nhớ chừng là tôi lại chỉ tay sang nhà má tư rồi nói với ngoại "má tư, má tư...". Còn má tư thì đi chợ hay đi đâu xa, bao giờ cũng mang về cho tôi thứ gì đó, khi cái bánh, lúc là áo quần. Tôi nghiễm nghiên gọi má là má tư cho mãi đến bây giờ.
Má tư sống đơn giản, chất phác nhưng tấm lòng lúc nào cũng ấm áp tình yêu thương. Nhà gần nhau nên khi tôi có chuyện gì không vui là má biết liền. Má ít khi khuyên tôi thế này thế nọ, chỉ thường hay kể tôi nghe chuyện của má ngày trước. Thế mà những câu chuyện tưởng như không liên quan đó lại khiến tôi ngộ ra nhiều điều. Cuộc sống không phải là sự bế tắc, đó chỉ là ranh giới để thử thách mỗi người chúng ta. Như cuộc đời má tư qua biến cố, nhưng má chưa khi nào than thân trách phận. Má cứ bảo: "sông có khúc, người có lúc, không có cái khổ nào là mãi mãi cả".
Má yêu thương tôi như chính con ruột của mình. Năm tôi thi đại học, má ruột tôi phải nghỉ làm để đi nuôi bà ngoại đang nằm viện. Nhà không đủ tiền, cánh cửa tương lai của tôi dường như đóng sập lại. Tôi không dám hé răng kể gì với má tư. Thâm tâm tôi vẫn nghĩ: má dù sao vẫn không phải má ruột của mình... Vậy mà, mấy hôm sau, má tư lại dúi vào tay tôi một khoản tiền khá lớn. Má nói tôi phải cố gắng học, không được làm má thất vọng, rằng tôi phải học cho cả ước mơ đã dang dở của má nữa. Khoản tiền mà sau này tôi mới biết má có được khi bán đi số vàng cưới kỷ niệm của mình. Nước mắt tôi lăn dài trên gương mặt. Tôi nợ má không chỉ là số nữ trang quý giá, mà còn là cả một ân tình không biết bao giờ mới trả được.
Má tư của tôi vẫn sống giản dị bên ngôi nhà lá nhỏ. Vẫn là nơi để tôi tìm về sau những bôn ba, vất vả của cuộc sống hay khi mỏi mệt cần được tiếng động viên. Tôi có chuyện vui thì má cùng cười. Tôi có chuyện buồn thì má xoa đầu tôi, rồi bảo sẽ không sao đâu. Có khi tôi cũng chẳng cần phải nói gì kể gì, chỉ ngồi bên má vậy thôi, để má phe phẩy chiếc quạt nan cho tôi mát trong buổi trưa hè oi ả. Vậy thôi, tự nhiên tôi cũng thấy nhẹ lòng. Cuộc sống của tôi cứ thế mà trôi qua, nhẹ nhàng, dịu mát như là tình yêu của má vậy.
Tôi chưa lần nào nói lời cảm ơn với má tư. Bởi má cứ hay bảo: "má thương bây không phải để bây nhớ ơn. Chỉ cần bây sống tốt là má vui rồi". Vậy nên, cho đến bây giờ, tôi vẫn cứ ấp ủ trong lòng ý định có một ngày mình sẽ đem đến cho má niềm vui bất ngờ, giống như cái cách mà má đã yêu thương mình từ bấy lâu rồi.
Trương Thị Mỹ Hạnh