Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu quốc hội phê duyệt gói ngân sách bổ sung 40 tỷ USD, trong đó hơn 24 tỷ dành cho Ukraine. Đề xuất này là yêu cầu chi tiêu bổ sung đầu tiên mà chính quyền ông Biden trình quốc hội Mỹ kể từ khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện hồi tháng 1. Quốc hội Mỹ nhiều khả năng bỏ phiếu vào cuối tháng này.
Ngoài viện trợ Ukraine, gói 40 tỷ USD còn nhiều hạng mục không liên quan như cứu trợ thiên tai, an ninh biên giới và chống lạm dụng thuốc giảm đau fentanyl. Các quan chức Nhà Trắng tin rằng điều đó sẽ khiến đảng Cộng hòa khó có thể giải thích với cử tri nếu từ chối.
Các trợ lý ở Cánh Tây Nhà Trắng lưu ý rằng ủng hộ của công chúng đối với viện trợ ngân sách cho Ukraine sẽ tăng lên vào thời điểm diễn ra sự kiện nổi bật. Họ dự kiến tận dụng hai lần xuất hiện trên sân khấu quốc tế sắp tới của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để gây sức ép cho đảng Cộng hòa.
Lãnh đạo Ukraine dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ vào đầu tháng này, trước khi tới Mỹ để phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhà Trắng cũng sẽ nhấn mạnh vào khía cạnh tác động tiêu cực tới kinh tế của xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, gói viện trợ đề xuất có nguy cơ dẫn tới cuộc tranh cãi mới giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, điều có thể định đoạt di sản của ông Biden và thành công của Ukraine trong cuộc chiến.
Ông Biden xem hỗ trợ Ukraine là trọng tâm chính sách đối ngoại. Mỹ đã vận động NATO và các đồng minh khác gửi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiệt huyết và tham vọng ban đầu đang dần nhường chỗ cho những lo ngại khi cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm.
Ukraine từng được kỳ vọng có thể phản công chớp nhoáng giống như hồi cuối năm ngoái ở Kharkov và thành phố Kherson. Nhiều người cho rằng với nhiều vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ cùng hàng nghìn binh sĩ được NATO huấn luyện, Ukraine có thể nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến Nga.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trên chiến trường đã khiến ngay cả Tổng thống Zelensky cũng phải thừa nhận rằng cuộc phản công không thuận lợi và "có lẽ diễn ra chậm hơn" so với kỳ vọng của một số người. Ukraine vấp phải phòng tuyến kiên cố với nhiều bãi mìn dày đặc của Nga.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Mỹ ngày càng mệt mỏi với diễn biến chậm trên chiến trường của Ukraine và đảng Cộng hòa đang cố nắm bắt những gì họ xem là cơ hội.
Con đường phê duyệt viện trợ ở Thượng viện sẽ dễ dàng hơn Hạ viện, vì Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Ukraine cũng nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ một số thành viên Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell. Ông McConnell coi sự ủng hộ dành cho Ukraine là một phần di sản của mình và Cánh Tây tin rằng ông sẽ giữ lập trường này, cũng như tác động vào các cuộc đàm phán ở Hạ viện. Tuy nhiên, những vấn đề sức khỏe gần đây của thượng nghị sĩ 81 tuổi có thể làm đảo lộn các tính toán.
Hiện tại, McCarthy được xem là trở ngại lớn nhất đối với Nhà Trắng. Lãnh đạo Hạ viện đôi khi bày tỏ rõ lập trường nghiêng về phe cực hữu trong đảng, vốn kêu gọi cắt giảm hỗ trợ Ukraine.
Cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã đặt dấu hỏi về sự cần thiết phải ủng hộ Ukraine và nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành trung gian cho một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Nga.
Quan chức ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chờ đợi xem cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ sẽ diễn ra thế nào. Chiến sự Ukraine có thể thay đổi nếu ứng viên Cộng hòa trở thành ông chủ Phòng Bầu dục.
Ngay cả những thành viên Cộng hòa từng ủng hộ Ukraine cũng tỏ ra ngần ngại về gói hỗ trợ mới. Nghị sĩ Andy Harris, thành viên duy nhất có lập trường thân thiện với Kiev trong nhóm cực hữu Freedom Caucus ở Hạ viện, hồi tháng trước nói rằng Kiev không thể chiến thắng và Mỹ nên tập trung tăng cường phòng thủ cho chính mình.
"Đó không chỉ là ý kiến của các thành viên cựu hữu", một trợ lý đảng Cộng hòa ở Hạ viện nói. "Các thành viên Cộng hòa có thể cảm thông với Ukraine, nhưng họ cũng nhận ra chúng tôi đang ném tiền vào một cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm".
Trợ lý Nhà Trắng và các nhà đàm phán Dân chủ ở Hạ viện nhận định để làm hài lòng phe cánh hữu cứng rắn của đảng, ông McCarthy có thể yêu cầu cắt giảm gói viện trợ đề xuất hay thậm chí bác bỏ nó. Đảng Cộng hòa cũng có thể yêu cầu bổ nhiệm thanh tra chuyên giám sát những gói hỗ trợ cho Ukraine để tránh nguy cơ tham nhũng.
Các thành viên cực hữu của đảng Cộng hòa có thể lập luận rằng Nhà Trắng đưa ra yêu cầu ngân sách không cân bằng giữa đối nội và đối ngoại. Tổng gói yêu cầu là 40 tỷ USD, nhưng có tới 24 tỷ dành cho Ukraine.
Quốc hội Mỹ đã thông qua tổng cộng 113 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó khoảng 70 tỷ USD viện trợ an ninh và hơn 90% trong số đó đã được giải ngân. Yêu cầu mới sẽ bao gồm 13,1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và bù đắp nguồn vũ khí của Lầu Năm Góc. Khoảng 8,5 tỷ USD viện trợ kinh tế, nhân đạo và hỗ trợ khác cho Kiev cùng các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột. 2,3 tỷ USD sử dụng cho nỗ lực đòn bẩy để có thêm viện trợ từ các nhà tài trợ khác thông qua Ngân hàng Thế giới.
Nhiều người ở Washington đánh giá ngân sách viện trợ cho Ukraine đã quá lớn. "Mức độ hỗ trợ hiện tại của Mỹ đối với Ukraine là không bền vững về mặt quân sự, tài chính và cả chính trị", Dan Caldwell, phó chủ tịch Trung tâm Đổi mới Mỹ, nói.
Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng khoản viện trợ bổ sung là yêu cầu cấp bách, số tiền hỗ trợ hiện tại không đủ để giúp đỡ Ukraine trong thời gian dài.
"Điều quan trọng là chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và ông McCarthy không nên tiếp tục bị dắt mũi bởi nhóm cực hữu và cực đoan nhất của đảng. Tôi tin rằng chúng tôi cuối cùng sẽ thành công, dù vấp phải những rào cản", thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nói.
Trong khi đó, nghị sĩ Don Bacon, người ủng hộ Ukraine và là đồng minh của McCarthy, đại diện cho một luồng ý kiến khác. Ông tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ gói viện trợ cho Ukraine nếu các vũ khí hiện đại như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) được đưa ra chiến trường. Nếu không có đảm bảo này, ông thấy không có lý do gì để rút cạn thêm kho dự trữ của Mỹ và chi thêm tiền để duy trì sự bế tắc của Ukraine với Nga.
ATACMS là loại tên lửa có tầm bắn tối đa 300 km, có thể phóng từ pháo phản lực HIMARS. Giới chức và chỉ huy quân đội Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ viện trợ tên lửa ATACMS để tập kích các mục tiêu của Nga nằm cách xa tiền tuyến. Tuy nhiên, Mỹ từ chối chuyển tên lửa ATACMS do lo ngại nước này tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
"Tại sao phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí không giúp họ chiến thắng? Tôi không muốn đóng góp thêm cho tình trạng bế tắc", Bacon, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nói.
Thanh Tâm (Theo Politico)