Thời tiết khắc nghiệt và địa hình phức tạp khiến bang Alaska của Mỹ là nơi rất khó để sinh tồn. Người dân ở ngôi làng Unalaska tại đây suýt bị xóa sổ khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát năm 1919 nếu không có sự giúp đỡ của thủy thủ đoàn một tàu tuần tra thuộc Tuần duyên Mỹ.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến 500 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, trong đó 50 triệu người chết. Việc nhiễm cúm Tây Ban Nha ở nơi xa xôi như Alaska không khác gì án tử, bởi năng lực chăm sóc y tế ở đây vào thời kỳ này rất kém.

USS Unalga tại Alaska năm 1919. Ảnh: USCG.
Mùa xuân năm 1919, cúm Tây Ban Nha bắt đầu xuất hiện ở Alaska và nhanh chóng xóa sổ nhiều ngôi làng. Ngày 26/5/1919, tàu tuần duyên USS Unalga tuần tra quanh quần đảo Aleutian, gần đảo Akun ở vịnh Seredka. Tàu khi đó vẫn trực thuộc hải quân Mỹ do Thế chiến I kết thúc chưa lâu. Họ có nhiệm vụ thực thi pháp luật, vận chuyển thư từ, cứu hộ, đồng thời được coi là một tòa án và bệnh viện nổi.
Trong thời gian tuần tra, thủy thủ đoàn nhận được tín hiệu cầu cứu về đợt bùng phát cúm Tây Ban Nha từ khu định cư mới trên đảo Unalaska. Dù nhận thêm một lời cầu cứu khác từ vịnh Bristol, hạm trưởng tàu USS Unalga quyết định khởi hành đến đảo Unalaska vào sáng hôm sau.
Khi đến nơi, họ bị sốc khi phát hiện toàn bộ ngôi làng và bác sĩ đều nhiễm cúm Tây Ban Nha. Chỉ một người trong số nhân viên trạm liên lạc vô tuyến hải quân trên đảo không bị nhiễm virus.
Chỉ ba người trên tàu được đào tạo chuyên sâu về y tế, nhưng tất cả 80 thành viên thủy thủ đoàn đều tham gia hỗ trợ người dân trong suốt một tuần. Họ chỉ đeo khẩu trang vải để bảo vệ bản thân.
Hạm trưởng quyết định sử dụng thực phẩm trên tàu để cứu trợ cho toàn bộ ngôi làng. Có thời điểm họ cung cấp tới 1.000 suất ăn mỗi ngày. Thủy thủ đoàn thậm chí còn xây dựng một bệnh viện dã chiến với hệ thống nước riêng, trong khi nguồn điện được được cấp từ máy phát trên tàu.
Do không có trang bị bảo hộ thích hợp, nhiều thủy thủ đã ngã bệnh, kể cả hạm trưởng, nhưng họ vẫn tiếp tục điều trị cho dân làng. Thủy thủ đoàn chăm sóc cả những trẻ em mồ côi sau khi cha mẹ chúng qua đời vì đại dịch. 45 người trong làng không qua khỏi và được thủy thủ đoàn chôn cất.
Ngày 3/6/1919, Tuần duyên Mỹ cử thêm lực lượng đến hỗ trợ, trong đó có nhiều nhân viên điều dưỡng. Nỗ lực của thủy thủ đoàn tàu USS Unalga bảo đảm tỷ lệ tử vong ở ngôi làng này chỉ là 12%, trong khi phần lớn bang Alaska có tỷ lệ tử vong tới 90%. Vào cuối đại dịch cúm Tây Ban Nha, khoảng 3.000 người Alaska đã thiệt mạng, hầu hết là dân bản địa.
Duy Sơn (Theo WATM)