"Trước sự tấn công của phương Tây, kinh tế khó khăn trong một thời gian là cái giá mà nước Nga phải trả để bảo vệ nền độc lập của quốc gia", Tổng thống Putin tuyên bố trong buổi họp báo thường niên hôm qua. "Sự trượt giá của đồng rúp và nguy cơ suy thoái kinh tế là do nhân tố bên ngoài".
Đây là lần đầu tiên ông chủ Điện Kremlin bày tỏ thái độ trước những biến động lớn trên thị trường tài chính Nga tuần qua. Ngày 16/12, nước Nga trải qua một ngày mà Financial Times gọi là "Thứ Ba đen tối", khi cả đồng rúp, chứng khoán, trái phiếu và giá dầu đều lao dốc.
Giới phân tích cho rằng việc ông Putin quy kết trách nhiệm cho phương Tây trước những khó khăn kinh tế mà nước Nga đang đối diện, một mặt là nhằm trấn an dư luận trong nước, mặt khác muốn gửi đến phương Tây thông điệp về thái độ kiên định của Moscow trên vấn đề Ukraine.
"Tình hình kinh tế khó khăn sẽ làm suy giảm sức ảnh hưởng của Putin, vì vậy ông ấy có thể sẽ vận dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ hữu hiệu để duy trì vị thế chính trị", bình luận viên Max Fisher của hãng truyền thông Vox, Mỹ, cho biết. "Cách làm này của ông ấy rất hiệu quả, chuyển sự chú ý của người dân từ những khó khăn kinh tế, sang những kẻ thù bên ngoài như Ukraine hay phương Tây.
Maria Semyonova, bà nội trợ 30 tuổi đến từ Nizhny Novgorod, cách thủ đô Moscow 200 km, cho biết, cô sắp phải đối mặt với khoảng thời gian đầy khó khăn khi vừa phải trả tiền nhà và nuôi con chỉ với đồng lương của chồng và tiền trợ cấp thai sản. Gia đình cô phải giảm thiểu cả việc sắm sửa cho năm mới, mua những vé xem hòa nhạc làm quà thay vì dành hàng nghìn rúp vào những món hàng đắt tiền.
Tuy nhiên, Semyonova và chồng vẫn đồng tình với Tổng thống Putin khi cho rằng phương Tây là bên có lỗi trong cuộc khủng hoảng. "Tôi nghĩ ông Putin đã hành động hoàn toàn hợp lý trong tình huống này", Wall Street Journal dẫn lời cô nói.
Tổng thống Putin cũng trấn an rằng nền kinh tế Nga sẽ hồi phục sau hai năm và việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu.
"Tình hình kinh tế chắc chắn sẽ quay trở lại quỹ đạo bình thường. Cùng với sự giảm thiểu lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào dầu khí, nền kinh tế sẽ ấm trở lại", ông phát biểu. "Cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta, bởi giá năng lượng giảm sẽ kích thích đầu tư vào các ngành nghề khác vốn bị bỏ mặc".
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lại không hề lạc quan và cho rằng điều đó xảy ra chỉ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và giá dầu tăng trở lại, nếu không nền kinh tế Nga trong năm 2015 và thời gian sắp tới sẽ còn tồi tệ hơn nữa.
"Moscow hiện không có một chiến lược rõ ràng để thoát khỏi tình trạng trước mắt, bởi thực tế là môi trường đầu tư tồi tệ dẫn đến tình trạng chảy máu dòng vốn", chuyên gia kinh tế Sergei Guriev thuộc Đại học Chính trị Paris nhận định.
Phương Tây xiềng xích "gấu Nga"
Tổng thống Putin cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây thực chất không liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea, mà là một phần của âm mưu lâu dài nhằm làm suy yếu Nga và cướp đoạt tài nguyên của quốc gia này.
"Nga như một con gấu mà phương Tây muốn làm suy yếu bằng cách tước bỏ sức mạnh hạt nhân và tước đoạt nguồn tài nguyên", ông nói. "Họ luôn muốn dùng xiềng xích để trói buộc nó, và một khi thành công sẽ bẻ răng và biến nó thành gấu bông".
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông cáo buộc phương Tây đã hỗ trợ trực tiếp cho các phần tử khủng bố tại vùng Bắc Kavkaz ở phía nam nước Nga, ngay sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Ông Putin cũng ám chỉ việc một quan chức cấp cao của Mỹ từng hoài nghi về tính chính đáng của việc Nga sở hữu toàn bộ vùng Siberia rộng lớn. "Nếu như việc tách bang Texas ra khỏi Mexico là công bằng, thì tại sao việc chúng ta hoạt động trên lãnh thổ của mình lại không công bằng", ông chủ Điện Kremlin nói.
Theo Bloomberg, quan chức Mỹ mà Putin ám chỉ là cựu ngoại trưởng Madeleine Albright, người được cho là đã phàn nàn về việc nguồn tài nguyên tại Siberia quá phong phú, vì vậy không nên chỉ thuộc về một mình Nga, mà là cả nhân loại. Bà Albright phủ nhận tính xác thực của phát ngôn trên.
"Ông ấy muốn cho mọi người thấy rằng những hành động của mình chỉ nhằm mục đích bảo vệ nước Nga trước âm mưu của phương Tây", bình luận viên Robert Mackey của tờ New York Times nhận định.
Hình tượng này được củng cố đặc biệt mạnh mẽ sau quyết định sáp nhập Crimea của Tổng thống Putin. Tỷ lệ ủng hộ trong nước với ông tăng cao kỷ lục, đạt mức 85% trong tháng 6.
Tuy nhiên, nhà phân tích Kirill Rogov thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Gaidar cho rằng, uy thế trong nước của Tổng thống Putin đến từ cam kết của ông với người dân Nga về sự trở lại của một quốc gia hùng cường và chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao, vì vậy nguy cơ khủng hoảng kinh tế có thể sẽ xói mòn hình tượng trên.
Đức Dương