Carole Joyce, 72 tuổi, từ bang Arizona dự kiến vai trò đại cử tri đảng Cộng hòa của mình khá đơn giản: Bà sẽ gặp những đại cử tri khác ở Phoenix ngày 19/12 và bỏ phiếu cho ông Trump, người đã giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở bang mình.
Nhưng rồi bà nhận được một loạt thư, email và điện thoại, từ ban đầu là hàng trăm rồi sau đó là hàng nghìn cử tri lo ngại rằng tính bốc đồng của ông Trump sẽ đưa đất nước vào một cuộc chiến. Họ kêu gọi bà làm "đại cử tri bất trung", tức không bỏ phiếu cho ông Trump.
"Thành thật mà nói, việc này có tác động đến tôi", Joyce, một thành viên ủy ban đảng Cộng hòa, cho biết. "Nhưng tôi đã ký cam kết trung thành, điều đó rất quan trọng".
Đó là cuộc sống những ngày gần đây của 538 đại cử tri Mỹ chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 19/12.
Vai trò của đại cử tri Mỹ đặc biệt quan trọng vào mùa bầu cử năm nay, trong bối cảnh Donald Trump thua Hillary Clinton gần 3 triệu phiếu phổ thông và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá Nga đã can thiệp để giúp ông Trump đắc cử.
10 đại cử tri, trong đó có 9 đảng viên Dân chủ và một đảng viên Cộng hòa, đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp để được nghe thêm thông tin tình báo về nghi ngờ vai trò của Moscow trong cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia không đáp ứng yêu cầu vì đang tập trung chuẩn bị cho đánh giá để báo cáo trước quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, Joyce và 305 đại cử tri đảng Cộng hòa khác, những người đã cam kết bỏ phiếu cho ông Trump, đang là đối tượng săn đón của những người chống Trump muốn thuyết phục họ đổi ý.
Những người khác thì nhắm mục tiêu vào đại cử tri đảng Dân chủ dự kiến bầu cho bà Clinton. Họ muốn thuyết phục những người này bầu cho một ứng viên Cộng hòa khác ngoài ông Trump, một người cũng có thể nhận được sự ủng hộ từ cử tri đảng Cộng hòa để vào Nhà Trắng, chẳng hạn như thống đốc bang Ohio, John Kasich.
Mark Hersch, nhà chiến lược marketing 60 tuổi ở Chicago, gia nhập một nhóm được gọi là Đại cử tri Hamilton với nỗ lực liên hệ các đại cử tri để thuyết phục họ đổi ý.
Ông tin rằng mục tiêu ngăn bước ông Trump là có thể đạt được. Ông và các đồng minh phải tìm được 37 đảng viên Cộng hòa sẵn sàng bỏ phiếu cho người khác nhằm khiến ông Trump không giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết - tình huống khiến quyền quyết định nằm trong tay hạ viện. Không ai biết chắc chắn có bao nhiêu người cân nhắc đổi ý, có thể dao động trong khoảng từ 1 đến 25 người.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn có thể bỏ phiếu cho ông Trump nhưng dù sao, nhóm nói trên vẫn cố gắng thực hiện "trận chiến" của họ.
Ở bang Massachusetts, luật sư đảng Cộng hòa R.J. Lyman cho biết ông không muốn quấy rầy bất cứ ai, vì vậy ông đã sử dụng các mối quan hệ để tìm những đại cử tri sẵn sàng lắng nghe và trò chuyện. Lyman nói rằng ông đã xác định được 20 đại cử tri có thể bỏ phiếu khác với cam kết nhưng không công khai tên của họ.
Hồi đầu tháng này, Chris Suprun ở bang Texas đã trở thành đại cử tri Cộng hòa đầu tiên tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Trump. Lập trường công khai của Suprun đã khiến ông nhận được những lá thư bày tỏ sự căm ghét và thậm chí là dọa giết.
"Nhiều người gọi điện và nói: 'Chuẩn bị tinh thần đấy, chúng tôi sẽ đến tìm anh tính sổ'", Suprun kể.
Càng gần ngày đại cử tri bầu cử, trận giằng co càng diễn ra quyết liệt. Joyce từng nhận được 15 lá thư và 300 email mỗi ngày sau ngày bầu cử 8/11, nhưng con số này nhanh chóng tăng lên đến 50 và 3.000.
Ngày 15/12, Joyce nhận được nhiều thư đến nỗi nhân viên bưu điện đưa cho bà cả một thùng thư đầy tới tận miệng.
Tuy nhiên, ngày 16/12, bà cho biết các lá thư trở nên tích cực hơn. Đó là những thông điệp từ đảng viên Cộng hòa cảm ơn bà vì đưa ông Trump đến vạch đích sau một quá trình gian nan. "Thật phấn khởi!", bà nói.
Phương Vũ