Kể từ khi xung đột bùng phát, Nga sử dụng nhiều tổ hợp gây nhiễu để ngăn Ukraine tiếp cận các vệ tinh thương mại phục vụ hoạt động tác chiến. Lực lượng Nga lắp thiết bị gây nhiễu tín hiệu vệ tinh lên xe tăng và thiết giáp, làm gián đoạn tín hiệu điều khiển của máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ, can thiệp vào tín hiệu GPS trên đạn dẫn đường và UAV của Ukraine.
Trong bối cảnh đó, khả năng kết nối vệ tinh đóng vai trò rất quan trọng trong năng lực tác chiến của Ukraine, đặc biệt là hệ thống Ineternet vệ tinh của Starlink. Dịch vụ này giúp Ukraine duy trì kết nối Internet và hoạt động bình thường trong chiến sự, cho phép binh sĩ liên lạc dễ dàng hơn trên tiền tuyến và phần nào hỗ trợ hoạt động của vũ khí, UAV.
Năng lực gây nhiễu của Nga ngày càng tinh vi hơn và làm gián đoạn các loại vũ khí hiện đại của Ukraine, cản trở khả năng tác chiến của họ. Tuy nhiên, nỗ lực cắt đứt kết nối tín hiệu vệ tinh Starlink của Ukraine mà Nga thực hiện tới nay chưa thành công.
"Nga hoàn toàn muốn tìm cách ngăn cản Ukraine sử dụng Starlink", Brian Weeden, chuyên gia Quỹ An ninh Thế giới có trụ sở tại Mỹ, nhận định. "Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện do cấu trúc phức tạp của hệ thống Starlink".
Starlink cho biết tín hiệu vệ tinh của họ mạnh và tập trung hơn do chúng hoạt động ở vị trí thấp hơn nhiều so với vệ tinh địa tĩnh. Do vệ tinh của Starlink gần Trái đất, độ trễ tín hiệu thấp hơn, giúp tăng tốc độ truyền phát thông tin.
Theo Weeden, điều này khiến tín hiệu của Starlink khó bị gây nhiễu hơn nhiều so với các loại kết nối vệ tinh khác. Các hacker Nga tới nay vẫn chưa thể xâm nhập vào hệ thống của Starlink, chuyên gia này cho hay.
Kari Bingen, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận định Nga tiếp tục cố gắng can thiệp vào hệ thống Starlink, song "chưa đạt được nhiều thành công".
"Các vệ tinh Starlink vừa linh hoạt vừa bền bỉ, bởi đơn vị vận hành liên tục cập nhật phần mềm để vượt qua các cuộc tấn công của Nga", Bingen nói.
Giới chuyên gia phương Tây cho biết Nga nhiều lần tiếp cận, nhắm mục tiêu hoặc xâm nhập các mạng vệ tinh nước ngoài từ khi chiến sự với Ukraine bùng phát.
Ngay ngày đầu tiên của chiến sự, hacker Nga tung ra công cụ chống lại Viasat, công ty Mỹ cung cấp dịch vụ liên lạc quân sự cho Ukraine. Vụ tấn công tác động tới lượng lớn trạm liên lạc, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người tại Ukraine và châu Âu.
Phía Mỹ nhận định các vụ tấn công mạng của Nga nhằm vào hệ thống mạng lưới liên lạc trên vệ tinh thương mại có mục tiêu phá vỡ cơ cấu chỉ huy, kiểm soát của Ukraine trong giai đoạn đầu của xung đột.
Space X, công ty sở hữu Starlink, bị tấn công mạng vào tháng 4/2022. Các kỹ sư của SpaceX khi đó cập nhật phần mềm hệ thống để đối phó đợt tấn công từ Nga.
Elon Musk, người đứng đầu SpaceX, một tháng sau đó thông báo Starlink "đã chống lại nỗ lực tấn công và gây nhiễu trên không gian mạng của Nga", song thừa nhận hacker nước này đang tăng cường hoạt động.
Các vụ tấn công hoặc gây nhiễu hệ thống Starlink do Nga thực hiện hiếm khi được đưa tin hay công khai. SpaceX nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động của Nga nhằm vào vệ tinh Starlink.
Trang Space Watch Global có trụ sở tại Đức nhận định Nga đang phát triển nhiều tổ hợp tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu vệ tinh liên lạc của đối phương.
Trong số này có R-330Zh Zhitel, trạm gây nhiễu di động đặt trên xe tải và Bylina-MM, tổ hợp chuyên ngăn tín hiệu vệ tinh liên lạc. Lực lượng Nga gắn ăng-ten truyền tín hiệu công suất cao lên xe tải nhằm chế áp tín hiệu của thiết bị thu được chỉnh theo tần số Starlink.
Theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ hồi đầu năm 2023, Nga đang thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử Tobol để cản trở tín hiệu Starlink. Tình báo Mỹ thừa nhận hệ thống Tobol tiên tiến hơn so với hiểu biết trước đây của phương Tây.
Tài liệu này cho biết Nga thử nghiệm hệ thống Tobol-1 tại Ukraine trong 25 ngày vào tháng 9/2022. Quân đội Ukraine từng báo cáo hệ thống Internet vệ tinh Starlink bị gián đoạn vào tháng 10/2022, song không rõ sự cố này do tổ hợp Tobol-1 hay hệ thống gây nhiễu khác của Nga gây ra.
Ukraine đang tìm cách đối phó với năng lực tác chiến điện tử của Nga, trong đó có phá hủy các tổ hợp trên chiến trường và xây dựng cách thức ứng phó khác. Giới chuyên gia phương Tây nhận định dù chịu nhiều tổn thất về thiết bị, Nga vẫn duy trì ưu thế tác chiến điện tử đáng kể trước Ukraine.
"Cuộc đấu trong lĩnh vực tác chiến điện tử ở Ukraine sẽ chỉ ngày càng tăng nhiệt", Bingen nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)