Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sáng 26/2 tới Hà Nội trước Tổng thống Donald Trump để một lần nữa gặp Kim Yong-chol, cố vấn hàng đầu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, nhằm thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa. Sau nhiều tuần đàm phán mà không đạt được tiến triển như kỳ vọng, Pompeo nóng lòng xác nhận liệu Triều Tiên có thực sự sẵn sàng thảo thuận trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim gặp mặt trong hội nghị thượng đỉnh lần hai hay không, theo CNN.
Nhưng Kim Yong-chol không đến gặp Pompeo, ba quan chức Mỹ và một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho hay. Ngoại trưởng Mỹ đã chờ suốt vài tiếng, hy vọng đặc phái viên Triều Tiên đồng ý gặp, song cuối cùng phải thất vọng quay về trong đêm.
Đây không phải lần đầu tiên các quan chức Triều Tiên từ chối gặp mặt quan chức Mỹ, nhưng việc nó diễn ra chỉ một ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo khiến không ít người lo lắng và dường như là dấu hiệu cho thấy kết quả không được như kỳ vọng của sự kiện.
Hai hôm sau, ngày 28/2, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội khép lại mà không đạt được thỏa thuận chung giữa đôi bên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói "không có kỳ vọng nào cũng như không có thỏa thuận nào được lên kế hoạch từ trước".
Tuy nhiên, ngay trước khi Tổng thống Trump rời khỏi khách sạn Metropole sau cuộc đàm phán song phương mở rộng kéo dài nhưng không có kết quả, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra.
Theo các quan chức chính quyền và một nguồn tin được nghe báo cáo chi tiết về hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã vội vã đến gặp phái đoàn Mỹ, mang theo tin nhắn từ lãnh đạo Kim Jong-un. Tin nhắn này được nhìn nhận như nỗ lực vào phút chót của Triều Tiên nhằm đạt thỏa thuận về việc xóa bỏ một số lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon, trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Trong các cuộc đàm phán cấp thấp trước hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã không thể nhất trí được một nhận thức chung về quy mô tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, tin nhắn từ ông Kim không làm rõ câu hỏi liệu Triều Tiên có đồng ý với định nghĩa của phía Mỹ về quy mô cơ sở Yongbyon hay không. Vì thế, các quan chức Mỹ yêu cầu xác nhận lại.
Thứ trưởng Choe nhanh chóng trở về hỏi ý kiến lãnh đạo. Ông Kim trả lời rằng nó bao gồm tất cả mọi thứ trong khu vực. Nhưng ngay cả khi bà Choe quay lại với câu trả lời như vậy, phái đoàn Mỹ vẫn không ấn tượng và không muốn nối lại đàm phán.
"Chúng ta cần nhiều hơn thế", Tổng thống Trump trả lời khi được hỏi về cơ sở hạt nhân Yongbyon trước lúc lên đường rời Hà Nội.
Nỗ lực phút chót của lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa Mỹ và Triều Tiên trước câu hỏi mỗi bên sẵn sàng đến đâu trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Dù vậy, giới chức Mỹ tin rằng động thái của Triều Tiên là dấu hiệu thể hiện ông Kim thực sự mong muốn một thỏa thuận, song việc Mỹ sẽ chấp nhận thỏa thuận như thế nào vẫn là câu hỏi mở.
Trong họp báo sau hội nghị, Tổng thống Trump nói ông rời cuộc họp để tránh một thỏa thuận tồi nhưng khẳng định các cuộc đàm phán rất hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh đây không phải dấu chấm hết cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ngoại trưởng Pompeo cũng lạc quan cho rằng đàm phán sẽ quay về đúng hướng và những bất đồng giữa hai bên không phải trở ngại không thể vượt qua.
Ngay cả khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố sẽ "không bao giờ thay đổi" đề xuất cuối cùng mà Bình Nhưỡng đưa ra với Washington, Pompeo cho biết ông vẫn tin tưởng phía Triều Tiên "sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ". "Và đó cũng là điều chúng tôi định làm", ông nhấn mạnh.
Nhưng trước thềm hội nghị, giới chức Mỹ đã tìm cách tiết chế những kỳ vọng về kết quả đạt được tại các cuộc họp. Những phiên đàm phán cấp chuyên gia giữa Mỹ và Triều Tiên không cho thấy nhiều tiến bộ và các quan chức Triều Tiên thậm chí còn không ít lần dọa hủy hội nghị.
Những quan chức Mỹ hàng đầu tiếp tục hoài nghi về sự sẵn sàng của Triều Tiên đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tổng thống Trump từng được khuyên rằng ông cần sẵn sàng rời khỏi bàn thảo luận nếu Chủ tịch Kim không sẵn lòng đi xa hơn so với những đề xuất mà các quan chức Triều Tiên đã đưa ra tại những cuộc gặp cấp thấp.
Dù vậy, khi Tổng thống Trump tới khách sạn Metropole ở Hà Nội để dự cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Kim, ông vẫn tự tin rằng mình có thể thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên ký vào một thỏa thuận.
Mọi thứ đi vào ngõ cụt khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chính mà nước này phải chịu từ năm 2016 đến nay, đổi lại họ sẽ phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
"Tôi chỉ cảm thấy điều đó không thực sự tốt. Ông Mike (Pompeo) và tôi đã dành không ít thời gian thảo luận, bàn bạc về nó. Và tôi cho rằng dù cơ sở đó, nó rất lớn, vẫn không đủ để đáp ứng những gì chúng tôi đang hướng tới", Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo ở Hà Nội sau hội nghị.
Đứng bên cạnh ông, Ngoại trưởng Pompeo nói thêm: "Chắc chắn cơ sở Yongbyon và tất cả những thứ liên quan đến nó rất quan trọng nhưng vẫn còn đó tên lửa, vẫn còn đó đầu đạn hạt nhân và hệ thống vũ khí. Vậy nên, vẫn còn rất nhiều yếu tố chúng tôi chưa thể thống nhất".
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 5/3 cho biết họ phát hiện Triều Tiên đã lắp lại một phần mái che và cánh cửa tại bãi phóng tên lửa Sohae (hay còn gọi là Tongchang-ri). Trước thông tin này, Trump cho rằng "còn quá sớm để kết luận", nhưng khẳng định ông "sẽ rất thất vọng về Chủ tịch Kim" nếu đây là thông tin chính xác. "Chúng ta hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này", ông nói thêm.