Một tiêm kích Su-30SM của không quân Nga hôm qua đâm xuống vùng biển ngoài khơi tỉnh Latakia ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, khiến hai phi công trên máy bay thiệt mạng. "Các phi công đã nỗ lực điều khiển máy bay đến phút cuối cùng", RT dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Quân đội Nga khẳng định chiếc Su-30SM không bị tấn công, nhiều khả năng gặp nạn do chim bay vào động cơ.
Phóng viên Semyon Pegov điều hành trang WarGonzo dẫn lời nhân chứng tại hiện trường cho biết chiếc Su-30SM rời đường băng khoảng 40 giây thì xảy ra sự cố ở độ cao 200 m.
Thượng tướng Nikolai Antoshkin, cựu tư lệnh lực lượng Không quân Tiền tuyến của Nga, nhận định chiếc Su-30SM có thể đã đâm phải một đàn chim lớn, khiến nó mất cả hai động cơ cùng lúc.
Nhân chứng cho biết phi công đã 5 lần tìm cách giữ ổn định chiếc Su-30SM gặp sự cố, trong đó hai lần suýt thành công, đây dường như là lý do khiến tổ lái hai người không phóng ghế thoát hiểm và thiệt mạng khi tiêm kích đâm xuống nước. Họ cũng chọn bay ra khơi để tránh đâm xuống khu vực dân cư gần bờ biển.
"Máy bay đã lộn ngược ít nhất ba lần trước khi lao xuống biển. Hai thuyền đánh cá sau đó áp sát khu vực tai nạn với hy vọng cứu sống phi công, nhưng tiêm kích đã chìm xuống vùng biển sâu 17 m", Pegov cho biết.
Chỉ huy chiếc máy bay này được xác định là thiếu tá Albert Davidian, phụ trách bay tuần tra khu vực xung quanh căn cứ không quân Hmeymim. Pegov cho rằng Davidian đã tìm cách cho máy bay đáp xuống biển nhưng không thành công.
Tiêm kích Su-30SM Nga xuất phát từ căn cứ Latakia
Tướng Antoshkin cho rằng khi đâm phải đàn chim lớn khiến cả hai động cơ ngừng hoạt động, chiếc tiêm kích Su-30SM sẽ không thể cứu vãn được, nhất là trong giai đoạn vừa cất cánh và chưa đạt độ cao cần thiết.
"Su-30 có thể hoạt động bình thường với chỉ một động cơ. Tuy nhiên, khi mất cả hai động cơ ở độ cao nhỏ, bạn không thể cứu chiếc máy bay dù có làm gì đi nữa. Nếu phi công quay lại và cố gắng hạ cánh, chiếc máy bay có thể đã đâm xuống khu dân cư ở Syria", ông Antoshkin nói.
Hải quân Nga đã điều ba tàu tuần tra và 20 thợ lặn tới khu vực ngoài khơi tỉnh Latakia để trục vớt xác máy bay. Nó sẽ được đưa về căn cứ không quân Hmeymim để khám nghiệm, một phần chiếc tiêm kích dự kiến được gửi về Moskva qua đường hàng không.
Nga duy trì phi đội 4 tiêm kích đa năng Su-30SM tại Syria kể từ khi bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở nước này hồi cuối năm 2015. Các máy bay Su-30SM chủ yếu được trang bị vũ khí không đối không, có nhiệm vụ tuần tra không phận Syria và hộ tống biên đội cường kích và oanh tạc cơ tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tử Quỳnh