Trung Quốc hy vọng gia nhập WTO sẽ là động lực tăng tốc quá trình cải cách mở cửa, hiện đại hóa đất nước. Giờ đây, khi đã trở thành nước thành viên thứ 143 của WTO, cũng là lúc nước này đã đứng trước những cơ hội thật to lớn, và những thử thách cũng không phải nhỏ.
Trung Quốc là một trong những nước thành lập Hiệp định chung thuế quan (GATT) năm 1947. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, có một thời gian dài Trung Quốc không còn ở trong Tổ chức quốc tế đó, cho tới tháng 4/1984 mới được thu nhập là quan sát viên của GATT. Tháng 7/1986, Trung Quốc chính thức đề nghị được khôi phục tư cách là nước ký kết Hiệp định chung thuế quan. Từ đó đã bắt đầu một chặng đường dài 15 năm "trở lại GATT" và sau đó là gia nhập WTO.
Ngày 1/1/1995, WTO được thành lập thay cho Hiệp định chung thuế quan (GATT). Nhưng do một số nước ngăn cản nên Trung Quốc đã không thể " trở lại" GATT, và do đó, đã không trở thành thành viên chính thức sáng lập WTO. Nhưng từ đó Trung Quốc đã quyết tâm kiên trì các cuộc đàm phán song phương với các thành viên WTO. Năm 1997, Trung Quốc đã đàm phán và ký hiệp định song phương với Newzeland, Hàn Quốc, Hungary, Czech… Năm 1998, Bắc Kinh đã đưa ra dự án giảm gần 6.000 loại thuế quan.
Đối tác lớn đầu tiên hoàn tất đàm phán với Trung Quốc là Nhật Bản, vào tháng 7/1999. Cùng năm đó, ngày 14/11, Trung Quốc ký hiệp định về việc gia nhập WTO với Mỹ. Đàm phán với đối tác EU được kết thúc vào ngày19/5/2000. Và từ ngày 28/6 đến 4/7/2001, cuộc họp lần thứ 16 của Tổ công tác về Trung Quốc của WTO đã đi đến nhất trí về 12 vấn đề chủ yếu còn lại. Từ ngày 16 đến ngày 20/7/2001 cuộc họp lần thứ 17 của Tổ công tác về Trung Quốc của WTO đã hoàn thành bản dự thảo các văn kiện luật pháp và các văn kiện kèm theo về việc Trung Quốc gia nhập WTO. Ngày 13/9/2001, với việc ký hiệp định song phương với Mexico, Trung Quốc đã hoàn tất quá trình đàm phán của WTO. Ngày 17/9/2001, cuộc họp lần thứ 18 của công tác về Trung Quốc của WTO đã thông qua Nghị định thư, các văn kiện kèm theo, và báo cáo công tác Tổ công tác về Trung Quốc, kết thúc toàn bộ quá trình đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập WTO.
Trong 15 năm phấn đấu gia nhập WTO, Trung Quốc một mặt kiên trì những nguyên tắc, đồng thời đã rất linh hoạt trong đàm phán nhằm gia nhập WTO. Năm 1998, trong buổi tiếp nhà báo Mỹ, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói rõ 3 quan điểm có tính nguyên tắc trong vấn đề Trung Quốc gia nhập WTO trong đó nhấn mạnh sân chơi thương mại toàn cầu sẽ không hoàn chỉnh nếu không có sự tham gia của nước đang phát triển lớn nhất như Trung Quốc. Tiếp theo, Trung Quốc cần tham gia WTO với tư cách là một nước đang phát triển. Cuối cùng, Trung Quốc tham gia WTO với nguyên tắc cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Trong quá trình đàm phán, Trung Quốc luôn giữ vững nguyên tắc nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ cần thiết để có được những nhượng bộ cần thiết của đối phương.
Tuy nhiên, không thể nói thành công của Trung Quốc trong việc gia nhập WTO hoàn toàn là kết quả trên bàn đàm phán, hoặc chủ yếu là do kết quả đàm phán. Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu đưa tới thành công của Trung Quốc trong việc gia nhập WTO chính là những thành tựu trong cải cách, mở cửa, phát triển kinh tế hơn 20 năm qua. Một thành viên trong phái đoàn đàm phán của Trung Quốc nói rằng: "Trong quá trình đàm phán người ta đã đặt ra cho Trung Quốc hơn 40.000 câu hỏi, nhưng tựu trung chỉ là một câu: Trung Quốc có chấp nhận kinh tế thị trường hay không?".
(Nguồn Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN)