Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bí mật đến Washington tháng 12 năm ngoái trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến sự, ông đã được chào đón như người hùng ở Nhà Trắng và Đồi Capitol.
Ngày 21/9, ông Zelensky trở lại Mỹ lần thứ hai, song tình hình dường như đã khác. Ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa từ chối yêu cầu viện trợ bổ sung cho Ukraine khi chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, khước từ đề nghị của lãnh đạo Ukraine về việc phát biểu trước lưỡng viện quốc hội.
Tổng thống Ukraine chỉ có thể gặp riêng các lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa bên ngoài phòng họp quốc hội, nhưng ông cũng không có nhiều thông tin về thành quả trên chiến trường để công bố, khi chiến dịch phản công quy mô lớn của Kiev diễn biến chậm chạp.
Đối với ông Zelensky, thách thức trước mắt là thuyết phục các nghị sĩ Mỹ ủng hộ đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Joe Biden về gói viện trợ quân sự và nhân đạo mới cho Ukraine trị giá 24 tỷ USD.
"Tôi ở Washington để củng cố vị thế của Ukraine trong nỗ lực bảo vệ trẻ em, gia đình, nhà cửa của chúng tôi, cũng như tự do và dân chủ trên thế giới", ông Zelesky nói với Tổng thống Biden tại Phòng Bầu Dục.
Trong các cuộc thảo luận kín, lời kêu gọi của ông Zelensky thậm chí khẩn thiết hơn, theo Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer. "Nếu không nhận được viện trợ, chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến", ông nói với các thành viên Thượng viện.
Cuộc gặp quan trọng nhất trong chuyến đi của ông Zelensky có lẽ là với ông McCarthy, người đang dẫn dắt cuộc tranh luận của phe cánh hữu trong đảng Cộng hòa ở Hạ viện về viện trợ cho Ukraine và các vấn đề khác.
Thay vì triệu tập phiên họp lưỡng viện để ông Zelensky thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ, ông McCarthy gặp riêng lãnh đạo Ukraine và đặt ra những câu hỏi liên quan tới trách nhiệm giải trình, chiến lược và chiến thuật của Kiev, theo các nguồn thạo tin.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã đề cập tới khả năng xung đột có thể có kết thúc mở và liệu quân đội Ukraine có đang sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp một cách có trách nhiệm hay không.
Ukraine đã cam kết không sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, thay vào đó họ muốn tấn công các kho đạn và trung tâm hậu cần ở các khu vực mà Moskva kiểm soát tại Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine. 23 thành viên Hạ viện và 6 thượng nghị sĩ, do thượng nghị sĩ J.D Vance và nghị sĩ Chip Roy dẫn đầu, đã ký thư từ chối yêu cầu của Tổng thống Biden về khoản viện trợ 24 tỷ USD bổ sung cho Ukraine.
Các nhà lập pháp nói rằng người Mỹ cần biết rõ hơn về việc tiền của họ đã đi về đâu. "Cuộc phản công diễn ra như thế nào? Liệu người Ukraine có đang tiến gần tới chiến thắng hơn so với 6 tháng trước? Chiến lược của chúng ta là gì và kế hoạch rút lui của Tổng thống như thế nào? Sẽ là vô trách nhiệm nếu đưa ra yêu cầu khi chưa trả lời những câu hỏi này", họ viết.
Khi chuyến thăm của ông Zelensky gần kết thúc, chính quyền ông Biden đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 325 triệu USD cho Ukraine, từ ngân sách viện trợ được quốc hội phê duyệt trước đó. Gói viện trợ mới gồm nhiều vũ khí như đạn pháo, đạn chùm, xe chiến đấu và phụ tùng thay thế.
Tổng thống Ukraine cho hay gói viện trợ này "chính xác là những gì binh sĩ của chúng tôi cần hiện nay".
Dù lãnh đạo Ukraine đã không ra về tay trắng trong chuyến thăm Mỹ tuần này, giới quan sát cho rằng mong mỏi của ông Zelensky chưa hoàn toàn được đáp ứng.
Tổng thống Zelensky đã liên tục kêu gọi Mỹ hỗ trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) và máy bay không người lái mà lực lượng Ukraine có thể sử dụng chống lại các mục tiêu Nga phía sau tiền tuyến. Tuy nhiên giới quan sát tin rằng Ukraine sẽ phải chờ đợi thêm trước khi nhận được những vũ khí tầm xa này.
ATACMS ngày càng trở nên quan trọng đối với Ukraine, khi nguồn cung tên lửa tầm xa từ các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Anh và Pháp, đang dần bị thu hẹp.
Lo ngại kho dự trữ tên lửa mà phương Tây cung cấp sẽ cạn kiệt, Kiev đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa tàng hình Taurus từ tháng 5. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng Đức sẽ chỉ cân nhắc làm vậy nếu Tổng thống Mỹ có động thái tương tự.
Tướng Stephane Mille, người đứng đầu Lực lượng Không quân và Vũ trụ Pháp, đầu tuần này nói Paris sẽ không thể gửi thêm tên lửa hành trình Scalp cho Ukraine vì họ cần đảm bảo đủ số tên lửa trực chiến cần thiết cho quân đội Pháp. Nguồn cung tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh cũng bị hạn chế, theo quan chức Tây Âu.
Đối với Tổng thống Zelensky, chuyến thăm Washington diễn ra ngay sau khi Nga tiến hành cuộc tập kích tên lửa lớn nhất vào Ukraine trong nhiều tuần qua, làm tăng tính cấp bách của lời kêu gọi viện trợ.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết ông Zelensky nhận thức rõ về bầu không khí chính trị của Mỹ và vấn đề viện trợ cho Ukraine khi quốc hội nước này sa lầy trong các tranh cãi về ngân sách.
"Ông ấy nhận ra vấn đề ngân sách sẽ tiếp tục gây tranh cãi và có những quan điểm khác nhau", Sullivan nói. Ông cho biết Nhà Trắng tin tưởng quốc hội Mỹ sẽ thông qua khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.
"Chỉ có ít thành viên hoài nghi, trong khi đa số thành viên ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ mạnh mẽ tiếp tục viện trợ. Tôi tin rằng đó cũng là điều người dân Mỹ muốn", ông nói.
Nghị sĩ Tom Cole của đảng Cộng hòa cũng cho hay ông tin rằng quốc hội cuối cùng sẽ thông qua viện trợ lớn hơn cho Ukraine với sự ủng hộ của đa số trong lưỡng đảng. Ông nói những bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề này chỉ là một tiến trình bình thường và nỗ lực tháo gỡ hoài nghi của ông Zelensky sẽ được đền đáp.
"Tôi nghĩ rằng cuối cùng gói viện trợ sẽ được thông qua. Nhưng thật tốt khi ông Zelensky có mặt lần nữa ở đây và đưa ra lời kêu gọi", ông Cole nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Washington Post, AFP)