Trong Thế chiến II, quân Đồng minh cố gắng do thám Adolf Hitler và các tướng dưới quyền bằng cách chặn thu tín hiệu tình báo từ bên trong nước Đức, sau đó sử dụng những thiết bị tối tân để giải mã. Tuy nhiên, nguồn tình báo tốt nhất về Hitler không đến từ Berlin mà lại là Nhật Bản, đồng minh với phát xít Đức trong cuộc chiến.
Năm 1934, Hiroshi Oshima được cử đến Berlin làm tùy viên quân sự Nhật Bản. Ông nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với các sĩ quan quân đội và thành viên đảng Quốc xã, những người lên nắm quyền ở Đức một năm sau đó. Do có triết lý chính trị phù hợp với tư tưởng của Đức Quốc xã, Oshima rất được lòng Hitler và trở thành đại diện Nhật Bản được ông trùm phát xít ưu ái.

Tướng Hiroshi Oshima. Ảnh: Wikipedia.
Sau khi Đức, Nhật Bản và Italy thành lập liên minh phe Trục, Oshima nắm rất nhiều quyền lực. Ông được rút về nước năm 1939, nhưng sớm trở lại Berlin với tư cách đại sứ. Từ đó, Oshima bắt đầu gửi về Nhật Bản các báo cáo kế hoạch của Hitler.
Thế chiến II nổ ra, những thắng lợi của Nhật Bản ở châu Á và Thái Bình Dương khiến Hitler rất ấn tượng. Oshima ngày càng được tin tưởng, được phép tiếp cận những hoạt động nội bộ của bộ máy chiến tranh Đức. Đại sứ Nhật trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận về phương thức quân đội Đức và Nhật kết nối qua khu vực Trung Đông.
Mỹ luôn tìm cách chặn thu và giải mã tín hiệu thông tin liên lạc của phe Trục từ trước khi tham chiến. Nhờ chương trình phân tích mật mã Magic, nước này đã bẻ khóa được các điện mật ngoại giao của Nhật từ năm 1940, thời điểm Oshima vẫn ở Tokyo. Khi Oshima trở lại Berlin cuối năm đó, Mỹ có thể đọc được các thông tin đại sứ quán Nhật tại Đức gửi về nước.
Oshima tỏ ra là người rất thông minh và siêng năng. Khi quan tâm tới một vấn đề, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thu thập hàng trang thông tin chi tiết và gửi về quê nhà. Oshima không biết rằng những báo cáo này đều bị Mỹ chặn thu và giải mã.
Báo cáo của Oshima liên quan đến nhiều vấn đề quân sự, những nhận định của ông rất có giá trị với quân Đồng minh. Thông tin trong báo cáo của đại sứ Nhật Bản trong mùa hè năm 1941 đã giúp tình báo Mỹ phát hiện Đức lên kế hoạch tấn công Liên Xô.
Thời điểm này, dù chưa tham chiến, Mỹ vẫn tìm cách tận dụng các thông tin có được. Họ gửi các thông tin cùng với các bức điện thu được cho Anh để nước này chuyển cho Liên Xô nhằm lôi kéo Moskva về phe Đồng minh.
Mùa xuân năm 1944, Đức bắt đầu phát triển tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới. Chủ đề này khiến chính phủ Nhật đặc biệt quan tâm và muốn tìm hiểu những bí mật liên quan. Thông qua các quan hệ trong quân đội và đảng Quốc xã, Oshima đã tìm được nhiều thông tin chi tiết đáng kinh ngạc về tiêm kích tối tân của Đức như tốc độ, trần bay và tốc độ leo cao. Những thông tin này giúp quân Đồng minh chọn chính xác hướng phát triển chiến đấu cơ.

Oshima (trái) gặp Hitler tại Đức. Ảnh: Wikipedia.
Các thông tin tình báo từ Oshima có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với trận Normandy tháng 6/1944. Oshima rất quan tâm tới tuyến phòng thủ của Đức dọc bờ biển miền bắc nước Pháp và gửi nhiều báo cáo về nước. Thông tin về thiết kế và chiều sâu phòng thủ, quân số phòng ngự, cấu trúc chỉ huy của Đức hay vị trí các khẩu đội pháo đặc biệt hữu ích với quân Đồng minh trong quá trình lập kế hoạch tác chiến.
Thông tin thu được về cuộc đối thoại của Oshima với Hitler cho thấy trùm phát xít đã trúng bẫy phản gián của quân Đồng minh, không biết về địa điểm đổ bộ thực tế của đối phương.
Ngày 4/9/1944, Oshima gặp Hitler lần cuối. Trong cuộc gặp này, trùm phát xít tiết lộ kế hoạch phản công quy mô lớn ở mặt trận phía tây, trong đó quân Đức sẽ tập kết trong tháng 10-11/1944 để tận dụng thời tiết xấu, cản trở khả năng trinh sát trên không của phe Đồng minh. Việc tấn công sẽ diễn ra sớm nhất vào cuối tháng 11. Nhờ nắm được thông tin này, quân Đồng minh đã lên kế hoạch ứng phó và giành chiến thắng trong trận Bulge.
Bản thân Oshima không biết rằng những thông tin giá trị của mình đã vô tình giúp quân Đồng minh xoay chuyển cục diện trên chiến trường và đánh bại Đức Quốc xã ở châu Âu. Ông bị bắt và kết án chung thân sau chiến tranh, nhưng được tha bổng năm 1955.
Duy Sơn (Theo War History)