"Biên giới trên bộ và trên không với Algeria, Burkina Faso, Libya, Mali và Chad được mở lại từ hôm nay", một quan chức phe đảo chính công bố trên truyền hình quốc gia ngày 1/8.
Quyết định được đưa ra vài giờ sau khi chuyến bay sơ tán đầu tiên của Pháp cất cánh và 5 ngày trước thời hạn khôi phục trật tự hiến pháp do khối các nước Tây Phi đưa ra.
Lực lượng cận vệ của tổng thống Niger Mohamed Bazoum ngày 26/7 tiến hành đảo chính, quản thúc ông tại dinh thự. Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum.
Mỹ và các nước châu Âu lên án cuộc đảo chính Niger, yêu cầu chính quyền quân sự nhanh chóng thả ông Bazoum. Niger là quốc gia thứ ba ở vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso.
Chỉ huy quân sự quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ gặp nhau tại thủ đô Abuja của Nigeria từ 2/8 đến 4/8 để thảo luận về cuộc đảo chính ở Niger. ECOWAS hôm 30/7 áp biện pháp trừng phạt đối với Niger và cảnh báo có thể sử dụng vũ lực, đồng thời cho chính quyền quân sự một tuần để phục hồi chức vụ của cựu tổng thống Bazoum.
Một quan chức ECOWAS nói rằng phái đoàn từ khối do cựu tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar dẫn đầu sẽ đến thăm Niger vào 2/8.
ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo. Tuy nhiên, Mali và Burkina Faso, hai nước hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau đảo chính. Hai nước tuyên bố họ sẽ tuyên chiến nếu Niger bị can thiệp quân sự.
Các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Niger, trong khi Mỹ chưa có kế hoạch này. Tuy nhiên, Mỹ đã đình chỉ hoạt động huấn luyện với lực lượng của Niger. Khoảng 1.000 lính Mỹ đang đồn trú tại quốc gia châu Phi này.
Niger, quốc gia bán sa mạc rộng lớn, là một trong những nước nghèo nhất và bất ổn nhất thế giới. Niger đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1960.
Huyền Lê (Theo AFP)