Một ngày đầu tháng 9, Lê Nguyễn Hải Đăng đứng trước cửa một ngôi nhà ở quận 8 vừa được sơn lại, nước sơn vẫn còn khá mới. Khi chủ nhà bước ra, chàng sinh viên năm cuối ngành Y đa khoa trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mừng rỡ nhận ra người mà cậu từng tư vấn điều trị bây giờ đã khỏi bệnh. Ông khoe, một người thân của mình được Đăng hỗ trợ đợt đó cũng đã xuất viện về nhà.
Đăng nhớ lại, một đêm đầu tháng 8, ca trực của tổ tư vấn điều trị F0 từ xa nhận được thông tin, có bệnh nhân trở nặng, cần thở oxy và đưa đến viện gấp. Đăng gọi đến các trạm tặng bình oxy miễn phí nhưng không nơi nào nghe máy. Không thể chờ thêm, Đăng mặc đồ bảo hộ, lao ra đường đến lấy bình oxy ở Trung tâm y tế quận 8 mang đến nhà bệnh nhân. Trước lúc đi, cậu cũng gọi xe cấp cứu yêu cầu hỗ trợ khẩn.
"Thường em chỉ trao đổi với bệnh nhân qua điện thoại. Nhưng hai bác này là trường hợp đặc biệt vì có dịp gặp lại sau khi em tư vấn điều trị. Thấy bệnh nhân khỏe lại em vui lắm và xúc động nữa", Hải Đăng nói.
Hải Đăng là một trong những sinh viên tích cực tham gia hỗ trợ chống dịch cho thành phố của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ cuối tháng 5. Ban đầu cậu đăng ký tham gia lấy mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu theo phân công của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM.
Từ ngày 2/6, Hải Đăng tham gia đội tình nguyện của Trung tâm y tế quận 8 nên dọn đến ở hẳn tại trung tâm, tránh lây nhiễm cho ông bà đã lớn tuổi ở nhà.
Những ngày tháng 6, việc lấy mẫu không còn "dễ thở" như trước. Thành phố vào giai đoạn bùng phát dịch bệnh với nhiều chuỗi lây nhiễm. Có hôm đi lấy mẫu từ sáng đến 9 giờ tối, vừa về đến trung tâm, Đăng cùng đồng đội phải di chuyển tiếp đến chợ đầu mối để lấy mẫu đến 1 giờ sáng.
"Mẫu lấy xong phải chuyển giao cho trung tâm trong vòng 48 giờ nên đêm đó bọn em phải ngồi nhập dữ liệu đến 4 giờ sáng cho kịp. Cứ như thế, trong suốt một tuần tiếp theo, nhóm em thường chỉ ngủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày. Em không còn nhớ hôm nay là thứ mấy, chỉ cần xong việc là muốn nằm ngủ ngay, chẳng thiết ăn uống", Đăng hồi tưởng.
Có lần được giao nhiệm vụ đi lấy mẫu cho một phụ nữ vừa qua đời, lúc trở ra, chàng trai thấy trong hẻm một gia đình khác lại có người mất. Con hẻm trong đêm giãn cách xã hội trầm lắng lạ thường. Đó là lần đầu tiên Đăng thấy lòng mình nặng nề, lo lắng cho sự an nguy của thành phố.
"Lúc đó, em không biết làm gì ngoài cầu nguyện và cố gắng làm hết sức mình. Khi thành phố không ổn, thì chính những người thân của em ở nhà cũng đang không ổn chút nào", chàng trai Sài Gòn nói.
Đợt đó, nhóm tình nguyện của Đăng có người nhiễm bệnh. Bản thân là F1 nên Đăng cũng phải đi cách ly tập trung. Sau khi về nhà tự cách ly thêm 7 ngày nữa, người thân khuyên cậu nên ở nhà.
Nhận thấy dịch bệnh chưa có dấu hiệu ngừng lại nên chàng sinh viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch quyết định quay lại Trung tâm y tế quận 8. Ở đây, ngoài việc hỗ trợ trung tâm đi lấy mẫu cộng đồng, khu cách ly, ban đêm Đăng còn tham gia tổ tư vấn F0 điều trị tại nhà. Là sinh viên năm cuối, Đăng được phân công theo dõi, thăm khám và đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân.
Có lần tư vấn điều trị cho một người quen đã lớn tuổi, lại có bệnh nền ung thư, dù đã tiên lượng không tốt nhưng khi hay tin ông cụ mất, Đăng đã khóc. Trấn tĩnh lại, cậu nghĩ đó là điều mà một bác sĩ tương lai như mình rồi sẽ phải trải qua.
"Việc cần làm là lấy lại tinh thần và phải vững vàng hơn thay vì giữ mãi tâm trạng đau buồn, hối tiếc", Hải Đăng chia sẻ.
Đến cuối tháng 9, số ca bệnh trong cộng đồng giảm hẳn. Những lần đi hỗ trợ khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm để nhập viện không còn nhiều, thay vào đó là xét nghiệm để xuất viện tăng lên. Lúc này, Đăng bắt đầu nghĩ nhiều hơn về cuộc sống "bình thường mới" trong tương lai.
Sáng 1/10, ngày đầu tiên thành phố nới lỏng giãn cách, Hải Đăng lái xe máy từ trung tâm về nhà. Khác hẳn những chuyến đi trong thời kỳ giãn cách xã hội, đường phố đã đông đúc, trở lại như xưa. Đâu đó trong những góc nhỏ trên phố quán xá đã mở cửa, Đăng nghĩ thành phố đã đến lúc hồi sinh.
Trước đây cậu hay liên tưởng, thời gian thành phố chiến đấu với dịch bệnh cũng giống như một bệnh nhân đang điều trị ICU. Chứng kiến cảnh thành phố im lìm cũng giống như việc một bác sĩ chứng kiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Hôm nay thấy những hàng rào, chốt chặn được tháo gỡ Đăng lại nghĩ đến hình ảnh bệnh nhân được tháo những sợi dây kết nối máy móc để chuẩn bị xuất viện.
"Cảm giác khi nhìn thành phố hồi sinh, cũng giống lúc thấy bệnh nhân của mình khỏi bệnh", Hải Đăng trải lòng.
Diệp Phan