Trở thành phi công quân sự là giấc mơ của nhiều thanh niên Mỹ, nhưng không phải ai cũng thành công. Tuy nhiên, có những binh sĩ vẫn hoàn thành mong muốn của mình theo những cách kỳ lạ nhất, kể cả trộm máy bay ngay tại căn cứ quân sự, theo WATM.
Binh nhì lục quân trộm trực thăng UH-1
Robert K. Preston là binh nhì phục vụ trong lục quân Mỹ, luôn ước mơ được trở thành phi công trực thăng. Anh ta thi vào trường không quân của lục quân Mỹ năm 1973 nhưng nhanh chóng bị loại sau 24 tuần huấn luyện.
Với những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm lái máy bay cánh bằng, Preston ngày 17/2/1974 tự ý leo lên một chiếc trực thăng UH-1 từ căn cứ Meade, bang Maryland và bay về hướng thủ đô Washington DC. Trực thăng của cảnh sát bang Maryland phải đuổi theo chiếc UH-1 suốt một giờ đồng hồ. "Preston là một phi công cừ khôi", người lái trực thăng cảnh sát cho biết.
Chiếc UH-1 lỗ chỗ vết đạn đậu trong sân Nhà Trắng
Preston bay qua Tượng đài Washington và suýt đâm vào trực thăng đang truy đuổi, trước khi hướng tới Nhà Trắng. Lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ được cảnh báo khi Preston tiến vào vùng cấm bay. Tới lúc chiếc UH-1 tiếp cận hàng rào Nhà Trắng, mật vụ nổ súng bắn chặn, buộc Preston hạ cánh khẩn cấp với một vết thương ở chân.
Binh nhì Preston bị tòa án binh kết án một năm tù và nộp phạt 2.400 USD vì hành động gây nguy hiểm của mình.
Thợ máy không quân mơ lái tiêm kích
Dòng tiêm kích F-86 Sabre được biên chế cho không quân Mỹ trong những năm 1950. Để lái được loại máy bay này, phi công cần ít nhất một năm huấn luyện. Tuy nhiên, binh nhất không quân George Johnson đã tự điều khiển chiếc tiêm kích này cất cánh mà không trải qua bất cứ khóa đào tạo nào.
Johnson là thợ máy có nhiệm vụ bảo trì một phi đội F-86. Trước đó, anh ta luôn ấp ủ giấc mơ trở thành phi công chiến đấu, nhưng dị tật ở mắt đã ngăn cản Johnson làm được điều này. Trong một lần kiểm tra kỹ thuật định kỳ ngày 20/9/1956, Johnson yêu cầu đài kiểm soát không lưu dọn đường băng để chạy thử máy bay như thường lệ. Tuy nhiên, khi chiếc F-86 đạt vận tốc yêu cầu, Johnson bất ngờ cất cánh.
Do không được huấn luyện và thiếu kinh nghiệm, Johnson không biết cách hạ cánh trở lại, cũng không mang theo dù thoát hiểm. Phải nhờ đến sự hướng dẫn của sĩ quan chỉ huy qua điện đàm, binh nhất này mới có thể hạ cánh an toàn.
Vì hành động liều lĩnh này, Johnson bị toà án quân sự tống giam 6 tháng, phải nộp phạt 200 USD và bị hạ bậc quân hàm. Sau 5 tháng giam giữ, Johnson trở lại phục vụ cho đến khi xuất ngũ vào năm 1960. Sau này, Johnson nhận được bằng phi công dân sự và sở hữu một chiếc máy bay 4 chỗ ngồi.
Trộm vận tải cơ C-130 đâm xuống biển vì chán vợ
Ngày 23/5/1969, trung sĩ Paul Meyer, chỉ huy tổ kỹ thuật của không quân Mỹ tại căn cứ Mildenhall, Anh, lấy trộm một máy bay vận tải quân sự C-130E và cất cánh. Không lâu sau, chiếc máy bay đâm xuống eo biển Manche, khiến Meyer thiệt mạng tại chỗ.
Chỉ huy căn cứ cho biết Meyer hôm đó bị cấm trại do ẩu đả và say rượu. Đến tối, trung sĩ này yêu cầu nhân viên trong tổ kỹ thuật nạp đầy nhiên liệu cho một chiếc C-130E, sau đó lấy quần áo sĩ quan không quân và bước lên máy bay. Meyer cất cánh thành công và đưa máy bay về hướng bắc tới eo biển Manche. Trên máy bay, anh ta liên lạc với vợ qua radio cho đến khi mất điều khiển và lao xuống biển.
Cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng trung sĩ Meyer phải đối mặt với nhiều căng thẳng trong cuộc sống cá nhân và công việc. Anh ta bị chuyển tới Anh công tác khi mới kết hôn được 8 tuần, sau đó liên tục bị vợ yêu cầu về Mỹ với lý do cô này bị chồng cũ kiện.
Meyer cũng không được thăng chức dù có thành tích làm việc tốt hơn nhiều so với các đồng nghiệp. Các điều tra viên cho rằng đây có thể là những lý do khiến trung sĩ này chán nản và tìm cách tự sát bằng một chiếc vận tải cơ quân sự.
Lã Linh