Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/9 tuyên bố sẽ cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản mua lượng lớn trang thiết bị quân sự tối tân của Mỹ nhằm răn đe Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 6. Theo Defense One, Washington có sẵn những khí tài hiện đại có thể giúp Tokyo và Seoul nâng cao đáng kể tiềm lực quân sự của mình.
Hệ thống phòng thủ tên lửa
Tokyo đang có kế hoạch nâng cấp lá chắn tên lửa quy mô lớn. Ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2018 của nước này đề xuất các khoản chi cho mua thêm tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA và tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 MSE.
Dự toán ngân sách mới cũng đề xuất nâng cấp radar cảnh giới, bổ sung tổ hợp Aegis Ashore, phiên bản trên bộ của hệ thống chiến đấu Aegis được trang bị trên nhiều tàu chiến hiện đại của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Roman Schweizer, chuyên gia phân tích thuộc Nhóm nghiên cứu Cowen Washington, cho biết Tokyo cũng đang cân nhắc việc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ nhằm gia tăng khả năng đánh chặn tên lửa của mình.
Tên lửa tiến công
Hôm 4/9, Tổng thống Trump cũng chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép dỡ bỏ giới hạn trọng lượng và tầm bắn đối với tên lửa đạn đạo Hàn Quốc. Trước đây, Seoul chỉ được phép sở hữu tên lửa có tầm bắn tối đa 800 km và đầu đạn nặng không quá 500 kg. Với việc dỡ bỏ hạn chế này, Hàn Quốc có thể sử dụng đầu đạn nặng 1.000 kg hoặc lớn hơn để tăng khả năng hủy diệt các mục tiêu kiên cố sâu trong lãnh thổ Triều Tiên.
Nhiều khả năng Washington sẽ gấp rút chuyển giao nhiều loại bom và tên lửa từ kho vũ khí dự trữ chiến lược cho Seoul. Tuy nhiên, kho dự trữ toàn cầu của Mỹ đã cạn kiệt sau ba năm tiến hành chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, buộc họ phải sản xuất để bổ sung.
Nhật Bản cũng có thể mua sắm các vũ khí từng bị cấm trong quá khứ, gồm tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk và tên lửa tấn công đa nhiệm (JSM). Dòng Tomahawk có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân cố định của Triều Tiên, trong khi JSM nhắm vào các bệ phóng tên lửa di động trên lãnh thổ Triều Tiên.
Tên lửa JSM tiêu diệt mục tiêu trên đất liền.
Máy bay
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đặt mua tiêm kích tàng hình F-35. Seoul mua 40 chiếc và dự kiến nhận lô đầu tiên vào năm sau, trong khi Tokyo đã xuất xưởng những chiếc F-35 đầu tiên trong số 42 tiêm kích được nước này tự lắp ráp.
Máy bay không người lái (UAV) tầm cao RQ-4 Global Hawk cũng nằm trong danh sách xem xét mua sắm của hai đồng minh Mỹ. Dòng MQ-9 Reaper có khả năng mang vũ khí chính xác cũng là giải pháp khả thi. Các mẫu UAV này có thời gian hoạt động liên tục lâu dài, phù hợp cho việc do thám và đánh dấu, tiêu diệt các mục tiêu của Triều Tiên.
Nhật Bản cần triển khai lượng lớn máy bay chiến đấu trong chiến dịch đáp trả tổng lực. Tiêm kích hạng nặng F-15J có thể bảo vệ máy bay tàng hình F-35 và các phi cơ khác trước không quân Triều Tiên, ngay cả khi có sự can thiệp của Trung Quốc. Lực lượng tìm kiếm cứu hộ cũng cần được triển khai ngoài khơi Triều Tiên để giải cứu phi công bị bắn hạ.
Các hoạt động này đòi hỏi lượng lớn nhiên liệu, trong khi biên đội máy bay tiếp liệu KC-767J ít ỏi của Nhật không đủ khả năng đáp ứng. Bởi vậy, Tokyo sẽ cần mua thêm ít nhất 20 máy bay tiếp dầu để yểm trợ một chiến dịch phủ đầu quy mô lớn. Mỹ có thể bổ sung các phi đội KC-135 cho nước này trong trường hợp khẩn cấp.
Duy Sơn