Máy bay Predator có thể thu thập tin tình báo và phóng tên lửa Hellfire. |
Tại Iraq, lần đầu tiên kể từ sau cuộc xâm chiếm Panama năm 1989, Lầu Năm Góc có thể sẽ tiến hành một chiến dịch ở đô thị. Do vậy, chiến thuật và vũ khí là một trong những yếu tố quyết định số lượng thương vong và độ dài của cuộc chiến.
Chiến tranh Iraq, trên thực tế, có thể là cuộc thử nghiệm lớn nhất tính hiệu quả của nhiều vũ khí mới trong kho từ trước đến nay. Chẳng hạn, chất kiểm soát náo loạn là tác nhân hoá học không độc giống hơi cay, có tác dụng đẩy lùi đối phương hoặc dập tắt cuộc nổi loạn của tù binh.
Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Vịnh Tommy Franks gần đây cho biết: "Trong những hoàn cảnh nhất định, chúng tôi có thể sử dụng vũ khí không độc. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định công bố yếu tố cấu thành hoàn cảnh đó".
Người ta bàn về lợi hại của những vũ khí này nhiều thập kỷ nay. Việc phát triển các thiết bị đó cũng đã diễn ra trong khoảng thời gian tương tự. Thậm chí, một số vũ khí đã được thử nghiệm trong thực tế chiến trận.
Đại tá Dan Smith nói: "Ở Kosovo, chúng tôi thả sợi carbon làm chập mạch nhà máy điện trong vòng 4-6 giờ. Đó là tin tốt. Còn tin xấu là nếu những sợi đó không được tập hợp lại khi đã rơi xuống mặt đất, gió có thể đẩy chúng trở lại đường dây điện và lại gây chập một lần nữa".
Các chuyên gia khác cảnh báo những vũ khí đó vẫn có khả năng gây chết người. "Nhớ rằng không độc là mong muốn, chứ không phải là kết quả chắc chắn", Loren Thompson thuộc Viện Lexington (Arlington, Virginia), người vừa hoàn tất nghiên cứu về vũ khí do năng lượng chỉ huy, nói. "Một số người có thể thiệt mạng do tác dụng trực tiếp hay gián tiếp của vũ khí không độc".
Người ta tranh cãi nhiều nhất về việc sử dụng chất hoá học nhằm đánh bại đối phương mà không giết họ, đặc biệt là trong cái gọi là chiến dịch quân sự ở khu vực đô thị, nơi thường dân vô tội có thể bị kẹt trong đạn pháo hai bên hay bị sử dụng làm lá chắn sống.
Hiệp ước vũ khí hoá học quốc tế cho phép cảnh sát sử dụng loại vũ khí này, chứ không phải quân đội. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng việc giới quân sự áp dụng trong những trường hợp gần giống với thực thi luật pháp là một vấn đề không được quy định rõ ràng trong luật pháp quốc tế, và hơi cay đã được sử dụng giải tán những đám đông người Czech ở Bosnia. Các hãng thông tấn đưa tin, kho vũ khí của quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ tại vùng Vịnh có hơi cay và thuốc phun hạt tiêu.
"Vấn đề là chúng ta tuân thủ lệnh cấm giết người, sử dụng vũ khí không độc để cứu mạng sống", đại tá John Alexander, từng phụ trách chương trình quốc phòng không độc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, nói. Đây cũng là lập luận cơ bản trong bài phát biểu gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tại Quốc hội.
Các chuyên gia khác thì kịch liệt phản đối. Barbara Hatch Rosenberg, nhà sinh học phân tử ĐH Quốc gia New York, trưởng nhóm nghiên cứu vũ khí sinh hoá thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ, nói: "Hiệp ước Vũ khí hoá học cấm sử dụng chất kiểm soát náo loạn trong chiến tranh. Mỹ đã có lịch sử sử dụng vũ khí không độc để tăng tính độc của các vũ khí khác. Hơi cay đã được dùng trong chiến tranh Việt Nam để đẩy những binh lính đang trú ẩn trong hầm ra ngoài rồi bắn".
Ngay cả nếu điều đó không xảy ra ở Iraq, một trong nhiều ẩn số mà Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld thường nhắc đi nhắc lại là độ dài, sự tàn bạo và khả năng tàn phá (bao gồm thương vong dân thường) trong chiến dịch trên bộ vào khu đô thị, ngay cả khi vũ khí không độc được huy động. "Tôi cho rằng chúng ta chẳng thể làm gì để cuộc chiến ở đô thị dễ dàng hơn", nhà phân tích quân sự Michael O'Hanlon, thuộc viện Brookings (Washington), nói.
Do đó, vẫn còn phải xem xét liệu vũ khí không độc không khác gì "vũ khí bảo vệ hàng loạt", như nhiều người ủng hộ đánh giá, hay là một bước đi nguy hiểm đối với kỹ thuật chiến tranh mới.
Tiến sĩ Thompson nói: "Tôi nghi ngờ những học giả trong tương lai sẽ kết nối khái niệm của vũ khí không độc với việc số hoá chiến sự. Khi lực lượng quân sự ngày một phụ thuộc vào cảm biến điện tử, máy tính và thiết bị liên lạc để giành thắng lợi trên chiến trường, khả năng thành công mà không áp dụng kỹ thuật điện từ ngày càng lôi cuốn".
Vì công nghệ luôn sẵn có, nên bản thân Mỹ cũng phải chống lại tình trạng nghẽn liên lạc, virus máy tính và xung vi sóng. Tiến sĩ Thompson cho biết thêm: "Đây có thể là cách tiến hành chiến tranh nhân đạo và phân biệt các đối tượng hơn. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra tính dễ tổn thương mà các nhà chiến lược quốc phòng Mỹ cần phải xem xét".
Nguyễn Hạnh (theo CSM)