Năm 2018, du lịch Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi vượt bậc nhưng cũng bị mất điểm trong mắt du khách nước ngoài qua nhiều vụ chặt chém, lừa đảo.
Lừa giá cước
Đầu tháng 3, vợ chồng du khách Mỹ bị tài xế taxi "hét" giá từ 45.000 đồng lên 450.000 đồng cho quãng đường 3 km ở Hà Nội. Sự việc sau đó được du khách trình báo lên cơ quan chức năng. Sau 2 giờ, xe vi phạm đã bị phát hiện và tạm giữ 7 ngày, tài xế bị xử phạt hành chính 1,4 triệu đồng với hành vi dừng đỗ trái phép và thu giá cước sai quy định. Tài xế còn phải trả lại tiền thừa, gửi lời xin lỗi tới du khách.
Tại Đà Nẵng vào tháng 8, một du khách Hàn Quốc đã nhắn tin đến số điện thoại của Giám đốc Sở Giao thông Lê Văn Trung, phản ánh việc chị đón taxi từ sân bay quốc tế Đà Nẵng về đường An Thượng 26 (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), tài xế đã thu 700.000 đồng thay vì 60.000 đồng (cước xe và phí vào sân bay). Sau khi tiếp nhận và điều tra sự việc, Thanh tra Sở Giao thông TP Đà Nẵng đã phạt hãng taxi có tài xế "chặt chém" 7 triệu đồng. Tài xế của hãng này cũng bị sa thải.
Tháng 9, tại Nha Trang, một tài xế chở nhóm khách Trung Quốc về khách sạn với quãng đường gần 6 km đã đòi phí 7 triệu đồng thay vì 62.000 đồng. Khi khách phản ứng, tài xế đã đe dọa buộc trả 6 triệu đồng. Nhận được thông tin vụ việc, công an TP Nha Trang, Khánh Hòa vào cuộc và đã mời ông Lê Trọng Quất về làm việc. Nam tài xế 40 tuổi sau đó bị hãng sa thải và truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
Lừa tiền giả
Giữa tháng 7, Miguel Angel Fernandez Lamelas (quốc tịch Tây Ban Nha) cùng bạn thuê một taxi chở đến Hàng Thùng để mua vé đi du lịch Sa Pa. Tới nơi, du khách Tây Ban Nha này lấy tờ tiền được trả lại hôm trước đưa cho tài xế mới biết đó là tiền "âm phủ". Sau khi vào cuộc điều tra, công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tìm ra tài xế taxi là anh Trần Văn Phong, người dùng ba tờ tiền giả để trả lại cho Miguel và xử lý theo thẩm quyền.
Lừa mua tour online
Cũng trong tháng 7, vợ chồng du khách Tây Ban Nha và ba con đến cảng Tuần Châu, Hạ Long (Quảng Ninh) để trải nghiệm tour du thuyền. Họ đặt phòng qua trang Expedia.es từ tháng 3 với giá gần 640 euro cho hai đêm và đã thanh toán trước. Tuy nhiên, khi năm người tới bến theo hướng dẫn thì không thể tìm thấy con tàu như đã đặt.
Trường hợp của nhóm khách Tây Ban Nha sau đó được thông báo đến Chi hội tàu du lịch Hạ Long. Chủ tàu Pelican đã quyết định mời gia đình tận hưởng miễn phí hành trình hai ngày một đêm trên vịnh.
Trong tháng 10, cặp du khách Nam Phi đặt tour tham quan Hạ Long qua trang Hotels.com nhưng khi đến nơi, địa chỉ và thông tin tàu đều không có thật. Tiếp nhận thông tin, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với các chủ tàu, bố trí cho hai du khách nghỉ đêm miễn phí trên tàu du lịch mang hiệu QN 8090.
Dịch vụ khác xa quảng cáo
Vào tháng 3, trang News đăng tải sự việc mà nhóm du khách Australia gặp phải khi đi du lịch tại Việt Nam. Theo đó, nhóm du khách tưởng đã có kỳ nghỉ vui vẻ trên du thuyền ở Hạ Long nhưng lại hụt hẫng khi đến nơi thì phát hiện toleit hỏng, bánh mì mốc và chuột chạy quanh.
Sau đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã vào cuộc sau và phát hiện tàu chở nhóm khách trên đã được đăng kiểm, đăng ký tại Hải Phòng. Doanh nghiệp bán dịch vụ phải liên hệ với nhóm khách để xin lỗi, bồi thường.
Sự việc tương tự xảy ra vào tháng 5, một nữ du khách đến từ Anh đặt khách sạn ở Việt Nam qua mạng và đã rất sốc khi đến nơi. Cô đăng một tấm ảnh lên trang cá nhân để phản ánh sự khác biệt giữa thực tế và quảng cáo trên mạng.