Dưới đây là các tai nạn hàng không gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trong năm vừa qua.
51 người thiệt mạng khi máy bay Nepal gặp nạn
Ngày 12/3, một tai nạn hàng không thảm khốc đã xảy ra tại Nepal, khiến 51 người thiệt mạng, trong đó có cơ trưởng và cơ phó. Chuyến bay của hãng US-Bangla Airlines, xuất phát từ Dhaka (Bangladesh) tới Kathmandu (Nepal). Theo Guardian, đây là tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Nepal suốt nhiều thập niên.
Báo cáo điều tra về tai nạn này cho biết cơ trưởng Abid Sultan, người Bangladesh, đã khóc trong suốt hành trình sau khi kỹ năng của ông bị một đồng nghiệp nghi ngờ. Cũng chính sự ngờ vực đó khiến cơ trưởng căng thẳng, nói chuyện và hút thuốc liên tục trong buồng lái. Việc Sultan nói không ngừng khiến cơ phó Rashid, người đang điều khiển máy bay vào thời điểm xảy ra tai nạn, bị mất phương hướng.
8 người chết vì máy bay đâm vào núi ở Indonesia
Ngày 11/8, một chiếc máy bay cỡ nhỏ do Thụy Sĩ sản xuất đã rơi ở khu vực rừng rậm rạp trên sườn núi Oksibil, tỉnh Papua, theo AFP. Quân đội Indonesia cho biết có 8 người chết và một người sống sót sau tai nạn. Người may mắn thoát khỏi lưỡi hái thần chết là cậu bé 12 tuổi.
Đây là máy bay thuộc sở hữu của một công ty tư nhân, chở 7 hành khách và hai phi công. Dân làng cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn. Đội cứu hộ phải đi bộ hơn 2 tiếng mới tiếp cận được hiện trường máy bay rơi do địa hình hiểm trở.
20 người chết trong vụ rơi máy bay ở Thụy Sĩ
Ngày 5/8, chiếc phi cơ Junker 52 HB-HOT sản xuất tại Đức năm 1939 đã rơi xuống núi Piz Segnaz, Thụy Sĩ ở độ cao khoảng 2.500 m, theo AFP. Trên máy bay có 11 người đàn ông và 9 phụ nữ, đa số là người Thụy Sĩ. Trong đó có một cặp vợ chồng và con trai người Áo.
Phi cơ có từ thời Thế chiến II do Ju-Air, một hãng của Thụy Sĩ, điều hành. Đây là công ty mời chào tour du lịch bằng máy bay chiến đấu Thụy Sĩ đời cũ. Cảnh sát xác nhận những người có mặt trong chuyến bay đã tử vong sau khi phi cơ rơi xuống sườn núi.
Máy bay của tỷ phú Thái Lan rơi tại Anh
Ngày 27/10, tỷ phú Vichai Srivaddhanaprabha đã thiệt mạng chỉ sau ít phút bước lên chiếc trực thăng tư nhân, xuất phát từ sân King Power, London, Anh để về Thái Lan. 4 nạn nhân khác cũng có mặt trên chuyến bay tử thần đó là hai nhân viên Nusara Suknamai và Kaveporn Punpare, các phi công Eric Swaffer và Izabela Roza Lechowicz.
Các nhân chứng kể lại rằng chiếc trực thăng sau khi cất cánh đã lơ lửng một lúc trên khán đài phía đông nam sân King Power rồi rơi xuống bãi đỗ xe. Một tiếng nổ lớn vang lên kèm theo cột lửa bốc cao.
Nguyên nhân vụ tai nạn là do bàn đạp ở buồng lái không kết nối với rotor phần đuôi. Điều này khiến chiếc trực thăng không thể điều hướng và rẽ sang phải trước khi rơi.
189 người thiệt mạng trong vụ máy bay rơi ở Indonesia
Ngày 29/10, một chiếc máy bay của hãng Lion Air lao xuống biển chỉ sau 13 phút cất cánh từ sân bay ở Jakarta. Toàn bộ hành khách, phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng. Hộp đen đầu tiên ghi dữ liệu chuyến bay được thợ lặn tìm thấy hôm 1/11 trong tình trạng hư hỏng nặng, theo Reuters.
Dữ liệu cho thấy đồng hồ tốc độ của máy bay đã hỏng trong ít nhất 4 chuyến bay, gồm cả chuyến bay cuối cùng. Cơ trưởng và cơ phó nhận được số liệu về tốc độ khác nhau, khiến chiếc máy bay chao đảo ở độ cao hơn 1.500 mét. Họ không đủ sức giữ cần lái, dẫn đến thảm họa.
Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Indonesia kể từ năm 1997.
Anh Minh