Xác định điều quan trọng đối với đời sống hôn nhân không chỉ là phát hiện ra cái gì ở người bạn đời mà tìm ra cách sống phù hợp nhất với người bạn đời của mình.
Dưới đây là 5 phản ứng cần tránh sau khi tranh cãi, dù lúc đó bạn đã nguôi ngoai hay vẫn còn bực tức.
1. Dọa ly hôn
Hai người đến với nhau và kết hôn không phải chuyện dễ dàng nên làm gì cũng phải coi trọng nó. Một phụ nữ thông minh dù tức giận đến mấy cũng không được đe dọa người bạn đời bằng ly hôn.
Trong mọi cuộc cãi vã, phụ nữ thường lấy việc ly hôn ra vì cho rằng người chồng của mình sẽ lo sợ, vì thế mà chịu nhường nhịn hay sợ vợ. Thế nhưng, việc dọa dẫm này vô cùng nghiêm trọng, đừng bao giờ tùy tiện nói thành lời, nó chỉ chứng minh rằng bạn không quá coi trọng hôn nhân nên mới dễ dàng nghĩ đến nó. Người chồng bị vợ ‘đe dọa’ thì lòng tự trọng, tính tự tôn sẽ bị tổn thương nặng nề. Hậu quả là người dọa ly hôn thì lại không muốn ly hôn còn người chưa khi nào có ý định ly hôn thì lại quyết định ly hôn cho bằng được
2. Thường xuyên bỏ nhà đi
Cách cãi nhau ngu ngốc nhất của các cặp vợ chồng là bỏ nhà đi, vì không những không giải quyết được gì mà còn nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới. Việc các bà vợ bỏ nhà đi thường chỉ với mục đích để hù dọa hoặc để kiểm tra, thử thách tình yêu của chồng. Tuy nhiên, đa số các ông chồng lại thấy hành động đó khiến họ xấu mặt, cảm thấy vợ không coi mình và bố mẹ mình ra gì.
Chỉ khi nào thực sự cảm thấy không thể chịu đựng nổi, cảm thấy muốn kết thúc đời sống hôn nhân thì cũng nên bình tĩnh nói với chồng là mình cần có một khoảng thời gian xa nhau để bình tĩnh lại.
3. Nhắc lại chuyện quá khứ
Mười cặp vợ chồng cãi nhau thì 8 người đào bới lại quá khứ, trong đó đa phần là phụ nữ. Đàn ông nghĩ rằng dù quá khứ là gì thì cũng không nên nhắc lại nó. Nhưng phụ nữ thì khác, họ nghĩ mọi việc đều liên kết với nhau và hành động hiện tại của chồng đều ảnh hưởng bởi những chuyện đã xảy ra trước đó.
Vợ chồng cãi nhau đã căng thẳng, nhưng lôi chuyện quá khứ để chì chiết nhau là điều không nên vì nó sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Nhắc lại những chuyện đã qua bằng những lời cay đắng để đối phương đau khổ là cách mà nhiều người giành chiến thắng trong cuộc cãi vã, nhưng tình cảm vợ chồng vì thế khó mà hàn gắn được.
4. Lôi bố mẹ vào cuộc
Vốn dĩ mâu thuẫn vợ chồng dù lớn đến đâu cũng nên "cửa đóng then cài" để giải quyết, đừng "mách" với gia đình đối phương sẽ chạm vào lòng tự ái của người chồng. Những người không ở trong cuộc chưa chắc hiểu hết sự tình của câu chuyện. Những lời khuyên đôi khi sẽ khiến cho sự hiểu lầm của vợ chồng tăng cao hơn và càng khó có cách giải quyết, hoặc cứu vãn tình thế.
Hạn chế tối đa nhất có thể đến sự can thiệp của gia đình, dù cho đó là bố mẹ hay anh chị em ruột thịt. Một mối quan hệ bền vững và dài lâu là cần đến sự sẻ chia, thấu hiểu giữa 2 người mà thôi.
5. Giãi bày trên mạng xã hội
Sau những màn tranh cãi nảy lửa với chồng, trong lúc nóng giận nhiều phụ nữ trải lòng trên trang cá nhân và để ở chế độ công khai. Từ những thông tin này, bạn bè, người thân tha hồ mổ xẻ và suy đoán về cuộc hôn nhân của họ. Nhiều đàn ông bị vợ "đăng đàn" cảm thấy xấu hổ, cảm giác mình bị mọi người nói xấu sau lưng. Thậm chí có người bị xáo trộn hoàn toàn công việc, cuộc sống chỉ bởi những status trong lúc nóng giận của vợ.
Thế giới mạng là con dao hai lưỡi, nếu không biết sử dụng đúng cách sẽ gây hậu quả khó lường cho chính bản thân, gia đình và nhiều người xung quanh. Đàn ông ai cũng có lòng tự trọng, chẳng ai vui vẻ gì khi bị người bạn đời đưa đi đẩy lại như một món hàng, đồ vật. Nhiều người thực sự bị tổn thương và cảm thấy không được tôn trọng khi sống cùng vợ mình.
Người ta thường nói "Bát đĩa còn có lúc xô nữa là vợ chồng", bởi vậy, việc tranh cãi là điều hết sức bình thường trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng cách xử sự sau mỗi "cuộc chiến" mới là điều rất quan trọng đối với mối quan hệ của hai người.
Vy Trang (Theo aboluowang)