Bài viết của tác giả Guai Bao Bao, nhà văn tự do đăng trên diễn đàn dành cho cha mẹ ở Trung Quốc.
Gần đây, tôi xem một video về người đàn ông đón vợ ở cửa phòng hậu phẫu. Dù bác sĩ đẩy em bé ra trước nhưng người này vẫn chạy lại chiếc cáng, nắm tay vợ với ánh mắt rưng rưng.
Video này làm tôi nhớ lại tình yêu của nam diễn viên Trần Kiến Bân dành cho vợ mình Tưởng Cần Cần trong chương trình có tên "Bộ ba hạnh phúc". Thời điểm đó, Tưởng đã 43 tuổi và vừa sinh con thứ hai. Người chồng thấp thỏm chờ đợi ở cửa phòng chờ sinh, đứng ngồi không yên.
Sau khi đứa trẻ được đẩy ra, Trần nhìn qua con trai rồi chạy đến phòng sinh tiếp tục đợi vợ. Khi Tưởng được đẩy ra khỏi phòng, anh nhẹ nhàng hôn lên trán vợ và nói lời cảm ơn. Cảnh tượng đó khiến nhiều người xúc động. Người dùng mạng cho rằng ngoài đời Trần Kiến Bân không phải là người đàn ông bóng bẩy nhưng hành động của anh lại tạo ra cảm giác thân thương mà phụ nữ nào cũng mong muốn được tiếp nhận.
"Vừa trải qua thử thách lớn là sinh con. Cánh cửa tử vừa khép lại, nếu nhận được thêm sự quan tâm của chồng thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của phụ nữ như chúng tôi", Tưởng Cần Cần sau này nhắc lại cảm giác khi đó của mình.
Tuy nhiên không phải ông chồng nào cũng được như Trần Kiến Bân.
Cách đây không lâu, một sản phụ đang chờ sinh ở Bệnh viện Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây đã nhảy lầu tự vẫn. Nguyên nhân là do người nhà đã từ chối ký giấy cho phép mổ đẻ nhiều lần khiến người mẹ đau đớn mà nghĩ quẩn.
Theo bác sĩ, sản phụ này họ Ma nhập viện lúc 3h chiều. Sau khi thăm khám phát hiện phần đầu thai nhi quá lớn, nguy cơ tử vong cao nếu sinh thường. Nhân viên y tế đã giải thích tình tình cho sản phụ và người nhà, vì sức khỏe của cả hai nên mổ lấy thai nhưng người nhà nhất quyết yêu cầu đẻ thường. Đến 18h, sản phụ Mã yêu cầu nhân viên mổ lấy thai nhưng người nhà tiếp tục phản đối. Đến 20h, chị Mã đã nhảy từ tầng 5 xuống và tử vong ngay sau đó.
Phía bệnh viện cho hay, họ đã đề nghị sinh mổ 3 lần nhưng cả 3 lần đều bị từ chối. Có lẽ theo người nhà sản phụ Mã, tính mạng của người mẹ không quan trọng bằng việc sinh con.
Tháng 4 năm nay, một phụ nữ khác ở Cam Túc đã than vãn trên trang cá nhân của mình khi chồng quyết không cho cô đăng ký dịch vụ đẻ không đau. Khi đó, người vợ 26 tuổi đang chuyển dạ trong bệnh viện, do không chịu nổi nên đã đề nghị. Bất chấp người vợ đang đau đớn, người chồng kiên quyết từ chối. Nguyên nhân anh này đưa ra là sợ thuốc mê có tác động đến đứa trẻ. Dù bác sĩ giải thích rất lâu cho người chồng, nhưng anh ta vẫn dửng dưng và quyết yêu cầu để vợ sinh theo cách tự nhiên. Sau khi sinh con xong, người vợ viết trên trang cá nhân của mình: "Tôi hận anh mãi mãi".
"Nếu chưa từng trải qua nỗi đau sinh nở, tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được sự hy sinh của vợ dành cho mình", Tưởng Kiến Bân nói. Anh đã có trải nghiệm "đau đẻ" trước khi vợ sinh con. Theo đó người đàn ông này được đeo một chiếc máy tạo các cơn gò tử cung như phụ nữ trước sinh. "Cảm giác lúc đó thật khó diễn tả. Tôi chỉ thấy phục vợ mình hơn sau trải nghiệm đó", nam diễn viên chia sẻ.
Nỗi đau sinh con không chỉ là thể xác như diễn viên Trần Kiến Bân trải nghiệm, mà còn hàng loạt thay đổi tâm sinh lý sau đó. Đầu tiên là sự thay đổi hình thể, việc béo phì khi mang thai dường như đã trở thành rào cản mà bà mẹ nào cũng phải trải qua. Thậm chí, có nhiều bà mẹ thậm chí không dám thử quần áo và soi gương sau khi sinh, vì sợ mình kinh hãi trong gương. Đó có thể là bộ dạng nhếch nhác với những vết tàn nhang và nếp nhăn trên khuôn mặt, mông phẳng lì, bụng phệ, tay kỳ lân, chân voi... Hơn nữa, làn da mịn màng ban đầu cũng sẽ để lại những vết rạn xấu xí, sẽ theo mẹ suốt đời nếu không thể phục hồi.
Những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự tin của các bà mẹ. Nhiều người không thể đối mặt trực tiếp với thân hình phát tướng sau sinh, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và trầm cảm. Số liệu khảo sát cho thấy tỷ lệ mắc chứng "trầm cảm sau sinh" từ 15% đến 30%, tức là cứ 100 phụ nữ thì có ít nhất 15 người bị trầm cảm sau sinh.
Vì vậy, khi một người phụ nữ mang thai và sinh ra một đứa trẻ, cuộc đời của họ đã thay đổi.
Muốn biết người đàn ông mình cưới có tốt hay không thì mới biết mình có con!
Tôi đã đọc một bài báo, được viết bởi một bác sĩ già đã làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa ở Trung Quốc hàng chục năm. Cô ấy đã chia sẻ một vài quy tắc đặc biệt bên ngoài phòng sinh:
Trong phòng sinh, nếu có người nhà đến hỏi giới tính cháu bé thì hầu hết là mẹ chồng. Nếu hỏi thăm sức khỏe của người mẹ thì đó là mẹ đẻ. Tuy hơi phiến diện nhưng thực tế lại rất phổ biến.
Trong chương trình tạp kỹ "Romantic Journey of Wife", nữ diễn viên Bao Văn Tịnh từng nói về trải nghiệm của cô khi sinh con: "Tôi đau đớn suốt 10 tiếng. Tử cung cứ co thắt và đau đớn 5 phút một lần. Bốn tiếng rưỡi tôi chưa mở được thêm phân nào. Tôi lăn lộn cả ngày lẫn đêm và cuối cùng phải tiêm thuốc. Cuối cùng cũng sinh con thành công".
Còn chồng cô- Bao Bối Nhĩ cũng kể một sự thật trong chương trình. Anh kể, sau khi sinh con xong, lúc mở cửa, mẹ vợ anh chạy vào khóc, còn mẹ đẻ anh thì cười tươi. Bao Bối Nhĩ cho biết ngay lúc đó anh cảm thấy làm vợ không hề dễ dàng. Vì vậy từ đó về sau, anh hứa rằng nhất định phải đối xử tốt với vợ mình. "Mọi đứa trẻ đều được sinh ra với một người mẹ tuyệt vời đằng sau nó", nam diễn viên nói.
Nhưng có mấy ai hiểu được sự thật này như Bao Bối Nhĩ? Trong hôn nhân, phụ nữ luôn được thừa nhận ngầm phải có trách nhiệm: sinh con, nuôi dạy con cái, làm việc nhà, chu toàn mọi việc cho gia đình và hy sinh bản thân.... Đó đều là những điều chính đáng!
Và đàn ông, chỉ cần họ kiếm được tiền là có thể tự "kiêu ngạo".
Có người đã nói: "Sinh con là tiêu chí duy nhất để thử nghiệm tình yêu đích thực. Bạn sẽ biết người đàn ông của mình là người hay là quỷ chỉ trong phòng sinh".
Đàn ông có yêu người phụ nữ của mình hay không không nằm ở việc anh ấy ngoan ngoãn thế nào khi kết hôn mà anh ấy thấu hiểu như thế nào những vất vả của người phụ nữ. Khi đàn ông sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm chăm sóc bạn và con cái, nghĩa là anh ấy thực sự yêu bạn.
"Hãy đối xử tốt với phụ nữ, không chỉ là màn biểu diễn ngoài phòng sinh mà còn là sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên sau sinh", Bao Bối Nhĩ nói.
Vy Trang (Theo sohu)