Cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota, ban đầu thông báo với công chúng rằng George Floyd "chết vì sự cố y tế trong lúc tương tác với cảnh sát". Sở cảnh sát thành phố Buffalo, bang New York cũng ra tuyên bố cho hay một người biểu tình bị vấp và ngã đập đầu xuống đất khi đối đầu với nhà chức trách. Cảnh sát Philadelphia thì cáo buộc một sinh viên bị thương nặng ở đầu đã hành hung người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, ba thông cáo nói trên nhanh chóng bị bác bỏ bởi những đoạn video được đăng trên mạng xã hội và phát trên truyền hình, gây ra nghi ngờ trong dư luận về việc các cơ quan hành pháp đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc không đầy đủ, trong đó mô tả hành động của cảnh sát tích cực hơn thực tế.
Các sở cảnh sát phủ nhận nói dối công chúng, song thừa nhận thỉnh thoảng phạm sai lầm khi công bố thông tin trong các tình huống diễn biến nhanh và phức tạp. Họ cho biết những video này không phải lúc nào cũng thể hiện sự việc dưới góc nhìn của các sĩ quan cảnh sát.
Nhiều luật sư cho rằng việc các sở cảnh sát ra thông cáo không chính xác về sự việc được cổ vũ bởi "văn hóa im lặng", trong đó các sĩ quan thường bảo vệ hành động sai trái của đồng nghiệp, hệ thống tòa án hiếm khi buộc các sĩ quan chịu trách nhiệm, trong khi dư luận thường đứng về phía những người thực thi pháp luật.
George Floyd chết khi bị một cảnh sát da trắng ghì gối lên cổ trong gần 9 phút, ngay cả khi người đàn ông da màu này nằm bất động. Video được người qua đường quay bằng điện thoại cho thấy Floyd cầu xin rằng "tôi không thở được" khi các sĩ quan khác đứng quanh và dân chúng kêu gọi cảnh sát giúp nạn nhân.
Thông cáo đầu tiên của sở cánh sát Minneapolis cho biết Floyd "có thể trải qua tình trạng y tế nguy kịch" sau khi chống cự cảnh sát và bị còng tay. Cái chết của Floyd làm bùng phát các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ nhằm phản đối biện pháp bạo lực của cảnh sát và nạn bất công chủng tộc.
Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát Minneapolis John Elder ngày 9/6 nói không nắm được các thông tin ban đầu về vụ Floyd và không tới hiện trường như thường làm sau các sự cố lớn. Elder biết quá trình bắt Floyd đã được camera gắn trên người các cảnh sát quay lại, nhưng ông chưa thể xem được video vài giờ sau sự cố. Elder đưa ra thông cáo đầu tiên về sự việc dựa trên báo cáo của các giám sát viên, nhưng những người này cũng không có mặt tại hiện trường.
Sở cảnh sát Minneapolis phát hiện thông cáo không chính xác vài giờ sau đó, khi video do nhân chứng quay xuất hiện trên mạng. Họ lập tức yêu cầu Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc điều tra, Elder cho biết. Cơ quan hành pháp bang Minnesota tiếp quản cuộc điều tra về cái chết của Floyd, nên kể từ đó, Elder không thể ra thông cáo đính chính. "Tôi sẽ không bao giờ nói dối để che đậy hành vi của người khác", Elder nói.
Giới chức thành phố Buffalo, bang New York, đã đình chỉ và truy tố hai sĩ quan tuần trước đẩy nhà hoạt động Martin Gugino, khiến ông ngã ngửa và đập đầu xuống vỉa hè. Lệnh truy tố được đưa ra sau khi video sự việc được phát sóng trên truyền hình.
Thông cáo ban đầu của cảnh sát thành phố nói Gugino bị ngã, song không nhắc đến cú đẩy. Cảnh sát sau đó xin lỗi và cho biết họ phải "xử lý các chi tiết không đầy đủ trong tình huống diễn biến và thay đổi nhanh".
Công tố viên thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 5/6 buộc tội một sĩ quan dùng gậy sắt đánh vào đầu và cổ Evan Gorski, sinh viên trường Đại học Temple tham gia biểu tình.
Nhân viên y tế phải khâu nhiều mũi vết thương trên đầu Gorski. Sinh viên 21 tuổi này bị giam 40 giờ với cáo buộc hành hung và làm bị thương cảnh sát. Tuy nhiên, các công tố viên quyết định thả Gorski và truy tố cảnh sát đã đánh anh sau khi xem video hiện trường.
Đây là ba trong số ví dụ mới nhất. Những sự kiện tương tự làm rung chuyển các cơ quan thực thi pháp luật khác, đặc biệt khi những người thuộc các nhóm thiểu số bị cảnh sát hạ sát và cảnh tượng được điện thoại, camera an ninh hoặc camera trên người sĩ quan quay lại.
Giới chức Chicago hồi năm 2014 cho rằng cảnh sát nổ súng hạ Laquan McDonald, 17 tuổi, là hợp lý vì thiếu niên này cầm dao tiếp cận họ. Tuy nhiên, video được công bố hơn một năm sau cho thấy McDonald đang bỏ chạy khi bị cảnh sát Jason Van Dyke bắn. Dyke sau đó bị kết án giết người cấp độ hai, hành vi giết người không suy tính hay lên kế hoạch từ trước.
Khi một sĩ quan ở ngoại ô thành phố Dallas bắn Jordan Edwards, 15 tuổi, hồi năm 2017, đơn vị cảnh sát chủ quản cho biết Edwards cùng những thanh thiếu niên khác đang ngồi trên chiếc xe lùi thẳng vào người thi hành công vụ. Cảnh sát trưởng sau đó thừa nhận video cho thấy chiếc xe đang tiến ra xa chứ không lùi về phía các sĩ quan. Người nổ súng bắn vào xe của Edwards sau đó bị kết án giết chết thiếu niên này.
Luật sư quyền công dân Michael Avery, chủ nhiệm Dự án Trách nhiệm Cảnh sát Quốc gia, cho biết cộng đồng các thành phố từ lâu nhận được thông cáo sai lệch từ cảnh sát. Ông cho rằng sự phổ biến của video giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về những gì đang xảy ra.
Avery nói khi ông bắt đầu làm luật sư 50 năm trước, các cáo buộc về hành vi sai trái của cảnh sát rất khó chứng minh bởi chúng thường được coi là "lời nói của một cá nhân chống lại cảnh sát và đồng đội của họ".
Cảnh sát hiếm khi bị truy cứu trách nhiệm vì họ được bảo vệ pháp lý rộng rãi và gần như không bao giờ bị các công tố viên buộc tội khai man. Thông cáo sai sự thật của các sở cảnh sát và lãnh đạo là "vấn đề chính trị" nhiều hơn pháp lý, Avery nói.
Sự xuất hiện của video và các phương tiện truyền thông xã hội tạo ra thêm áp lực cho nhân viên truyền thông của các sở cảnh sát. Phải rút lại tuyên bố là điều "hết sức xấu hổ với cơ quan" và khiến cộng đồng mất tin tưởng, cựu sĩ quan hành pháp Leonard Sipes Jr. nói.
Sipes cho rằng người phát ngôn của cảnh sát nên cố gắng xem bất cứ video nào có thể trước khi công bố thông tin và thực hiện các bước xác minh tuyên bố của sĩ quan và người quản lý. "Nếu họ không chắc về những gì đã xảy ra, chỉ cần nói nó đang được điều tra và để yên đó. Đưa ra một câu chuyện rồi phải rút lại hai ngày sau đó là điều vô nghĩa", Sipes nói.
Nguyễn Tiến (Theo AP)