Sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết, các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước Mỹ để đòi công lý cho anh và tìm cách chấm dứt một loạt cái chết của người da màu do cảnh sát gây ra.
Floyd chỉ là một trong số rất nhiều người Mỹ chết dưới tay các sĩ quan cảnh sát nước này mỗi năm. Tuy nhiên, ở những quốc gia phát triển khác, những sự cố như vậy rất hiếm.
CNN đã lấy số liệu thống kê từ các nước trong nhóm G7 hoặc các nước được xếp hạng tương tự về các chỉ số thịnh vượng, tự do và dân chủ toàn cầu với Mỹ. Tuy nhiên, khi đề cập tới lực lượng trị an và công lý hình sự, Mỹ là trường hợp ngoại lệ đáng chú ý và người da màu Mỹ bị ảnh hưởng rất đáng kể.
Dữ liệu về các vụ bắt giữ, các ca tử vong và số tù nhân không được thống kê thống nhất ở các nước phát triển, do đó khó có thể so sánh chính xác Mỹ với các quốc gia khác. Ví dụ không thể biết chính xác có bao nhiêu người chết dưới tay các sĩ quan cảnh sát Mỹ mỗi năm.
"Chúng tôi không thể tổ chức một cuộc thảo luận có thông tin, bởi vì chúng tôi không có dữ liệu", cựu Giám đốc FBI James Comey nói với Ủy ban Tư pháp Hạ viện năm 2015. "Mọi người có dữ liệu về những người đã đi xem phim vào cuối tuần trước, và tôi không thể cho bạn biết có bao nhiêu người đã bị cảnh sát ở Mỹ bắn vào tháng trước, năm ngoái, hoặc bất cứ điều gì về nhân khẩu học. Điều đó rất tệ".
Do đó, CNN đã phải thực hiện phương pháp ước tính, song cảnh báo con số thực tế còn khốc liệt hơn.
Một đánh giá truyền thông của cục Thống kê Tư pháp Mỹ (BJS) đã ghi nhận 1.348 cái chết liên quan đến các vụ bắt giữ của cảnh sát trong 10 tháng, từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2016. Bản đánh giá này không bao gồm những trường hợp tử vong thuộc thẩm quyền của một số cơ quan thực thi pháp luật khác và BJS cũng thừa nhận nó chưa cung cấp con số hoàn chỉnh.
Trong khi đó, cơ quan giám sát cảnh sát Anh cho biết chỉ có khoảng 13 người Anh thiệt mạng trong hoặc sau khi bị cảnh sát giam trong khoảng thời gian tương tự. Tại Australia, chỉ ghi nhận 21 trường hợp tử vong khi bị giam hoặc trong các hoạt động liên quan đến bắt giam của cảnh sát từ năm 2015 đến 2016.
Cảnh sát Mỹ cũng được cho là nổ súng bắn nhiều người hơn cảnh sát ở các nước phát triển khác.
FBI ghi nhận 407 người đã bị bắn trong hành động "giết người chính đáng" của cảnh sát vào năm 2018, giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, báo cáo của FBI bị chế giễu bởi nhiều nhóm nhân quyền và các cơ quan tin tức thu thập được con số cao hơn nhiều. Ví dụ, Washington Post đã đếm được 1.004 người bị cảnh sát Mỹ bắn chết năm 2019.
Canada, nước được cho là theo sát Mỹ nhất trong các nước G7, chỉ xảy ra 461 cuộc đụng độ gây chết người của cảnh sát từ năm 2000 đến năm 2017.
Người Mỹ cũng có khả năng bị bắt và giam nhiều hơn so với các nước phát triển khác trên thế giới. Tổng cộng 10.310.960 vụ bắt giữ đã được thực hiện ở Mỹ vào năm 2018. Con số này cho thấy tỷ lệ bắt giữ ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với Anh, Australia hay các quốc gia phát triển khác.
Trong số những người bị cảnh sát Mỹ bắt, người da màu có nhiều khả năng bị cưỡng chế hơn và điều này đã được phản ánh mạnh mẽ trong các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ gần đây.
Cảnh sát Mỹ dường như có xu hướng dùng vũ lực nhiều hơn với người da màu và theo một nghiên cứu năm 2016 được đăng trên Tạp chí Sức khỏe Mỹ, đàn ông da màu có nguy cơ chết dưới tay cảnh sát nhiều hơn gần ba lần so với đàn ông da trắng.
Theo số liệu của World Prison Brief, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, Anh, Mỹ có số lượng tù nhân lớn nhất thế giới, cũng như tỷ lệ giam giữ trên đầu người nhiều nhất.
Số tù nhân trên khắp các nhà tù Mỹ là khoảng 2,2 triệu người, cao hơn dân số của thủ đô Washington, thành phố Boston và Miami cộng lại. Tại Mỹ, cũng chỉ có 4 thành phố có dân số nhiều hơn số tù nhân ở nước này.
Người Mỹ da màu chiếm một phần ba số tù nhân Mỹ, trong khi cộng đồng này chỉ chiếm khoảng một phần tám dân số cả nước. Anh và Canada cũng có những vấn đề tương tự, song không phải với quy mô lớn như tại Mỹ.
Sau khi George Floyd tử vong do bị cảnh sát ghì chân lên cổ trong gần 9 phút hôm 25/5, các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước Mỹ để đòi công lý. Người biểu tình cũng khơi gợi lại những cái chết thương tâm khác của cộng đồng da màu và lên án hành vi sử dụng bạo lực quá mức của cảnh sát.
Ngọc Ánh (Theo CNN)