Bùi Minh Đức, 30 tuổi, hiện theo học thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Massachussetts, Mỹ, theo chương trình học bổng Fulbright do Chính phủ Mỹ tài trợ. Trước và trong khi học, anh Đức vẫn duy trì công việc trong lĩnh vực truyền thông. Từ trải nghiệm này, anh chia sẻ sự khác biệt giữa bốn ngành Marketing, Truyền thông, Quảng cáo và Quan hệ công chúng.
Truyền thông - Tiếp thị (Marketing - Communication, gọi tắt là MarCom) là lĩnh vực hiện được ưa chuộng. Marketing, Truyền thông, Quảng cáo và Quan hệ công chúng là một số ngành phổ biến trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, theo trang Salary Explorer, người làm marketing có thể kiếm từ 9 triệu đồng (lương khởi điểm trung bình) đến 32 triệu đồng/tháng (lương tối đa trung bình). Với Quan hệ công chúng, mức lương dao động 7,7-28,8 triệu đồng.
Theo Trung tâm dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong giai đoạn 2022-2025, ngành Truyền thông - Quảng cáo - Marketing tại TP HCM sẽ cần 21.600 lao động mỗi năm, chiếm khoảng 8% tổng số vị trí cần tuyển.
Hiện, khoảng hơn 50 trường đại học đào tạo các ngành này, gồm Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM), Học viện Ngoại giao, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP HCM....
Một số người hình dung công việc trong lĩnh vực MarCom luôn gắn liền với những agency (công ty chuyên cung cấp dịch vụ liên quan đến marketing, truyền thông, quảng cáo) hay các công việc sáng tạo, phù hợp với người quảng giao. Trên thực tế, MarCom rất rộng, trải dài trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngách nhỏ. Người học cần biết rõ sự khác nhau giữa Marketing, Truyền thông, Quan hệ công chúng hay Quảng cáo để chọn ngành phù hợp.
Marketing
Marketing là ngành phổ biến nhất trong lĩnh vực MarCom, được dạy tại nhiều trường đại học, đặc biệt các trường khối ngành kinh tế. Với marketing, câu hỏi quan trọng nhất là làm sao để bán được sản phẩm. Ngành học này cũng cung cấp kiến thức về chiến lược giá, chiến lược phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường.
Vì Marketing khá rộng, người học khi ra trường có thể làm rất nhiều nghề, tùy vào mảng theo đuổi, mô hình và quy mô công ty. Ưu điểm cũng là nhược điểm, vì học nhiều môn nên không ít sinh viên đánh giá chương trình ngành Marketing không tập trung và ôm đồm quá nhiều.
Là một ngành học rộng, triển vọng công việc của Marketing cũng lớn. Đa phần các công ty hiện nay cần có bộ phận marketing. Tại nhiều công ty cỡ trung và nhỏ, quản lý Marketing sẽ phụ trách cả mảng truyền thông hay quan hệ công chúng. Mức lương của ngành cũng tùy theo cấp bậc nhân viên hay quản lý. Ở cấp quản lý, lương thưởng của người làm marketing có thể lên tới hàng trăm triệu đồng một tháng.
Truyền thông
Truyền thông (Communications) là ngành hẹp hơn Marketing. Người học truyền thông tập trung vào việc làm sao để truyền tải một thông điệp, câu chuyện nhằm đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó, thường bắt đầu từ việc thay đổi quan điểm, suy nghĩ và tác động tới nhận thức.
Đa phần chương trình của ngành Truyền thông tại Việt Nam cung cấp kiến thức cho quá trình từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (Corporation Communications - truyền thông doanh nghiệp). Nếu du học, nhiều ngành học về truyền thông sẽ đi vào các ngành nhỏ hơn như Political communications (truyền thông chính trị), advocacy communications (truyền thông vận động xã hội)...
Nhìn vào quá trình truyền tải thông điệp, người học có thể phần nào nhìn ra bức tranh của ngành với những môn học: truyền tải thông điệp qua các kênh nào? (các môn học về nền tảng như truyền thông mạng xã hội), truyền tải bằng nội dung gì? (chiến lược nội dung, truyền thông hiệu quả), những chiến lược nào phù hợp? (truyền thông chiến lược), đạo đức trong lĩnh vực truyền thông ra sao? (Đạo đức truyền thông). Người học truyền thông cũng tiếp cận nhiều với các môn trong ngành quan hệ công chúng hay báo chí.
Cơ hội việc làm của ngành truyền thông cũng lớn, mức độ đan xen với ngành marketing cao. Tại những công ty lớn, đôi khi sẽ có sự rạch ròi giữa vị trí truyền thông và marketing. Với những đơn vị, tổ chức mà sản phẩm đặc thù (ví dụ ngành phi chính phủ), đa phần sẽ tuyển nhân viên truyền thông, hơn là nhân viên marketing.
Quan hệ công chúng (Public Relations, gọi tắt là PR)
Quan hệ công chúng (PR) là một phần trong ngành truyền thông. Định nghĩa cơ bản của PR là những hoạt động "tạo một mối quan hệ qua lại giữa hai bên mà ở đó cả hai đều có lợi".
Vậy muốn biết PR học gì, bạn cần xem các mối quan hệ trong lĩnh vực PR đề cập tới là gì. Chung nhất sẽ là những môn về lịch sử PR, nhập môn PR, PR chiến lược, quản lý đối tác, sau đó đi vào từng nhóm cụ thể như quan hệ công ty - công chúng, quan hệ công ty - báo chí (Quản lý truyền thông/báo chí), xử lý khủng hoảng, trách nhiệm xã hội (CSR).
PR nhằm phát triển mối quan hệ con người với con người nhiều nên đạo đức trong PR cũng là môn học không thể thiếu. Khi đi vào mỗi nền tảng cụ thể, người học cũng sẽ có các môn liên quan như PR báo chí, PR trên mạng xã hội... Báo chí là một phần rất quan trọng trong PR nên đôi khi các môn học về báo chí cũng được kết hợp trong mảng PR. Kỷ nguyên công nghệ giờ có thêm nhiều ngách mới của PR như community development (phát triển cộng đồng), influencer management (quản lý người nổi tiếng) hay các môn về viết lách.
Công việc của ngành PR sẽ hẹp hơn so với truyền thông và marketing. Tuy nhiên, người học PR cũng có đủ các kỹ năng để lấn sân sang Marketing hay truyền thông. Ở các nước như Mỹ, chuyên viên PR là một ngành khá phát triển trong khi đó ở Việt Nam, đa phần vị trí trên phù hợp với các công ty lớn hoặc làm trong các agency chuyên về PR. Với thế mạnh ở nghề viết hay quan hệ, nhiều người làm PR có thể làm các công việc tự do (freelancer) hay quản lý cho người nổi tiếng.
Quảng cáo (Advertising)
Cũng như Quan hệ công chúng, Quảng cáo là một phần trong các chiến lược Marketing - truyền thông của nhiều công ty. Những người học Quảng cáo cũng cần có kiến thức cơ bản trong các môn về truyền thông hay Marketing, các kiến thức nhập môn quảng cáo (lịch sử quảng cáo) đặc thù của quảng cáo trên từng nền tảng (quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên Internet), quảng cáo trong mối tương quan với văn hóa.
Điều khác biệt lớn nằm ở việc Quảng cáo thiên nhiều về sáng tạo hình ảnh trong khi các ngành như truyền thông, quan hệ công chúng tập trung nhiều đến kỹ năng viết, sáng tạo nội dung dựa trên ngôn ngữ. Với nhiều mảng trong quảng cáo như quảng cáo số (Google, Facebook...), người làm quảng cáo cũng cần kiến thức cơ bản về dữ liệu, công nghệ thông tin.
Công việc chính của người làm quảng cáo thường rơi vào hai nhóm: Làm trong các công ty hoặc làm trong các agency về quảng cáo. Nhìn chung, lĩnh vực quảng cáo có ít đất hơn ba lĩnh vực ở trên. Tuy nhiên với những bạn trẻ đam mê sáng tạo, quảng cáo là một ngành phù hợp để thỏa sức khám phá khả năng sáng tạo ở bản thân.
Bùi Minh Đức