Bố mẹ tôi là nông dân. Anh trai tôi tên Hưng, hơn tôi bốn tuổi. Tôi và anh trai bắt đầu làm quen với ao bùn, gốc rạ khi lên mười. Chúng tôi trở thành nông dân từ hồi đó. Hình ảnh của tôi ngày ấy là con bé đen như súng, tóc rễ tre vàng hoe hoét. Tôi nhỏ thó và nghịch ngợm; ương ngạnh và biếng lười. Những trận đòn từ mẹ, tôi nhận được nhiều hơn anh Hưng. Bố tôi có một cây roi sắt, nhưng chưa bao giờ bố đánh ai cả. Bố luôn là một ông bụt hiền từ trong tâm trí tôi.
Vào một buổi sáng mùa hạ oi nồng, hai anh em tôi phải cùng nhau chở những bó lúa đã được tuốt hạt từ đêm hôm trước ra tận ven sông. Con ngõ nhà tôi không đủ rộng và đủ nắng để phơi khô chúng. Đó là công việc của anh em tôi mỗi buổi sáng sớm trước khi chúng tôi đến trường. Anh Hưng chở xe thồ, tôi đẩy phía sau. Bó lúa còn tươi nên khá nặng. Đến đoạn lên dốc, khi ấy tôi còn ngái ngủ, tay vẫn bám vào xe thồ nhưng chỉ anh Hưng cong mông đẩy xe lên. Chiếc xe thồ bỗng đổ ập xuống đường. Anh Hưng quay ra quát mắng tôi, mặt anh cau có và bực tức.
Sau đó, tôi giơ cái liềm lên một cách khó chịu và chống đối. Anh Hưng sấn lại gần và thách thức. Trong giây phút bồng bột, tôi vung chiếc liềm, anh Hưng giơ tay lên đỡ. Lưỡi liềm cứa ngang giữa ngón cái và ngón trỏ. Anh Hưng hét lên, tiếng hét xé ngang bầu trời buổi sáng hôm ấy. Máu chảy ròng ròng. Anh Hưng bật khóc và chạy về. Mặt tôi nóng bừng lên, chiếc liềm trên tay tôi vẫn rỉ từng giọt máu xuống đất.
Tôi không dám về nhà cho đến khi mẹ ra gọi với cây roi sẵn trên tay. Mẹ vừa đi vừa vụt vào mông tôi. Vừa vụt mẹ vừa quát mắng. Mẹ kể lại câu chuyện của anh em tôi cho hàng xóm bằng sự bực dọc khi họ ghé thăm anh Hưng. Những người hàng xóm trách móc tôi. Họ phán xét hành động của tôi như một vị quan tòa nghiêm khắc và lạnh lùng. Tôi ngồi thu lu một góc nhà. Những ngày tháng ấy với tôi là một nỗi ám ảnh lớn.
Gần một tháng sau, vết thương trên tay anh trai tôi mới lành nhưng vết sẹo vẫn còn đó. Vết sẹo trên tay anh. Vết sẹo trong tim tôi. Nó vẫn nhắc tôi về nỗi sợ hãi. Nó nhắc tôi về những cái nhìn ớn lạnh. “Mới bé bằng hột mít đã ác thế rồi”, “Ương như ổi xanh”, “Cãi anh như chém chả”... Những câu nói lắc rắc quanh các góc nhà. Những âm thanh váng vất, ong óc trong tâm trí tôi mỗi lần trở về thăm quê. Ánh mắt mẹ tôi bây giờ đã khác, trìu mến và trầm lặng hơn bất cứ dòng sông mùa cạn nào. Nhưng cái nhìn chứa những tia lửa của mẹ đổ dồn về phía tôi ngày ấy chưa bao giờ nguôi được.
Một ngày cuối hạ, nắng rát, hanh hao ngày tôi 15 tuổi, đám bạn thân của tôi ở lớp vẫn sẵn sàng đội cơn nắng để đến xem “tuyệt tác” của tôi. Chuyện là tôi trồng một cây dưa chuột trên sân thượng và nó đã đến ngày ra quả - quả bé bằng ngón tay út cũng đủ khiến tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Bố mẹ đều đi vắng nên chúng tôi có không gian tự do để vui đùa trên sân thượng. Bố tôi về bất ngờ, gọi tôi bằng giọng vang lớn và rắn lắm. Tôi lờ mờ đoán ra bố vừa gặp một cơn giận dữ nào đó. Bố với tay lấy chiếc giẻ lau dưới gầm bàn, quăng quất vào mặt tôi và quát “Trông nhà không trông lên đó làm gì”. Bố không còn là một ông bụt với tôi.
Những hành động tương tự thế, tôi chưa từng bắt gặp ở bố. Thấy đám bạn của tôi từ sân thượng xuống, bố thoáng giật mình. Năm tháng qua đi, tôi hiểu đó chỉ là phút nóng giận của bố. Cuộc sống quá ngặt nghèo và khốc liệt đôi khi khiến bố trở nên nông nổi và cộc cằn. Nhưng hành động ấy đã ám ảnh và ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Nó trở thành vết sẹo trong tim tôi tới tận bây giờ. Thời gian và sự nỗ lực của bố không thể nào xóa nhòa đi hình ảnh xấu xí đó. Và đôi khi có cả sự nỗ lực của chính tôi.
Giờ đây tôi đã lớn khôn, đi xa khoảng ao bèo, đồng ruộng, sông sâu. Anh Hưng vào Nam làm công nhân cho một xưởng gỗ để nuôi tôi năm tháng vào đại học. Bố mẹ tôi vẫn là những người nông dân quê nhà. Những lần tôi trở về, bố mẹ vẫn đón tôi bằng cái nhìn mừng vui, hạnh phúc. Tất cả mọi người đều đã quên câu chuyện ngày ấy. Không ai biết tôi vẫn còn giữ khư khư nó trong tâm mình: sự ân hận và sự ích kỷ. Tôi nợ anh Hưng một vết sẹo, nhưng anh không còn nhớ về câu chuyện đó. Bố nợ tôi một vết sẹo và tôi chưa một lần quên. Tôi thương bố nhiều hơn. Bởi sự hy sinh và những gì đẹp đẽ nhất bố dành cho tôi lớn hơn vạn lần xấu xí. Tôi biết vẫn là chưa muộn để tôi học cách yêu thương, bao dung và tha thứ ngay trong chính gia đình mình. Nơi ấy mới là bến đỗ bình yên.
Dương Thị Hằng