Di cảo Nguyễn Huy Thiệp được gia đình phối hợp tiến sĩ Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) thực hiện, mang đến độc giả góc khác của tác giả Tướng về hưu.
Theo đại diện gia đình, bộ di cảo sẽ thể hiện Nguyễn Huy Thiệp, ngoài là một nhà văn, còn là nhà thơ nhiều suy tư thời cuộc, một họa sĩ vẽ chân dung và một biên kịch.
Trong đó, lần đầu tiên độc giả sẽ có dịp thưởng thức tập thơ nhỏ của ông viết từ thuở đôi mươi - các tác phẩm này chỉ được gia đình tìm thấy sau khi nhà văn qua đời.
Cuốn sổ thơ chép tay năm 1977, được Nguyễn Huy Thiệp đặt tên Những vần thơ chua xót, ghi lời đề tặng cho con trai đầu mới một tuổi đang sống cùng mẹ - người cũng đi dạy học ở một vùng núi khác. Tập thơ có lời đề từ: "Còn những gì chua xót/ Chỉ là trong thơ thôi". Ông tự trình bày quyển tập chép tay như thể một tập thơ được xuất bản, có cả mục lục, trên khổ giấy tương đương khổ sách thơ phổ biến thời kỳ đó.
"Bố tôi đã có ý thức sẽ xuất bản tập thơ của mình ngay từ khi mới bắt đầu viết", họa sĩ Nguyễn Phan Bách, con trai trưởng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn - người biên soạn cuốn di cảo cho biết tập thơ gồm 51 bài bộc bạch cảm xúc và suy tư, những suy tư về các giá trị sống của một trí thức sống nơi tỉnh lẻ, đang băn khoăn tìm đường đến với mộng văn chương. Những vần điệu ấy không có câu chữ trau chuốt, bút pháp tân kỳ nhưng cho thấy một Nguyễn Huy Thiệp "khởi nghiệp" với thơ chứ không phải với văn xuôi.
Tập thơ chưa bao giờ được in. Đúng 10 năm sau tập thơ, tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu nổi lên trên văn đàn như một hiện tượng lạ lùng của nền văn học Đổi mới, nhưng với tư cách là một nhà văn, để rồi nhanh chóng xác lập vị trí "vua truyện ngắn" mà tới nay chưa có người soán ngôi.
* Nguyễn Huy Thiệp - người hiền náo động cõi văn chương
Không xuất bản tập thơ nào khi ông sống, nhưng thực tế Nguyễn Huy Thiệp đã hiện diện như một thi sĩ thực sự trong chính các truyện ngắn đầy chất thơ của ông, hay những vần thơ được ông đưa vào nhiều truyện. Nay, với tập di cảo sắp ra mắt, có lẽ bạn đọc sẽ có dịp thấy được chất thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là có gốc tích.
Cũng không ngạc nhiên khi nhớ ra rằng những người bạn trong văn chương và đời thường của Nguyễn Huy Thiệp có nhiều người là nhà thơ, từ Hoàng Nhuận Cầm, Đồng Đức Bốn, đến nhà thơ dân gian Bảo Sinh.
Di cảo Nguyễn Huy Thiệp cũng tập hợp vài truyện ngắn của ông từng đăng báo, nhưng chưa xuất hiện trong tuyển truyện nào trước đây. Thêm một số bài tiểu luận, tạp bút, những "vần thơ" cuối đời, hai kịch bản phim truyện Tướng về hưu và Không có vua, kịch bản phim tài liệu truyền hình về nhà thơ Đồng Đức Bốn.
Cuốn sách còn giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp như một họa sĩ vẽ chân dung trên đĩa gốm. Lâu nay, bạn bè thỉnh thoảng lại khoe những bức họa chân dung của mình do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ tặng. Nay qua sách, người đọc sẽ có cơ hội được biết nhiều hơn về một thú vui, có lẽ là một chuyên môn khác của nhà văn, đó là vẽ chân dung văn nhân, bạn hữu, nhân vật văn chương trên gốm. Ông vẽ đa dạng, từ Victor Hugo, Balzac, Hemingway, Pushkin đến Bùi Giáng, Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài, Lê Lựu. Là một nhà văn vẽ nên tranh chân dung trên gốm của ông thường có nhiều đề từ thú vị, từ những câu châm ngôn đến trích đoạn tác phẩm.
Gọi họa sĩ Nguyễn Huy Thiệp có lẽ cũng không quá. Thuở mới từ rừng núi Sơn La về Hà Nội, chính nghề vẽ đã nuôi sống nghề văn của ông.
Tài văn chương ông không "di truyền" cho các con nhưng ông đã gửi lại hết những mầm hội họa. Hai con trai của họa sĩ đều học vẽ. Trong đó, Nguyễn Phan Bách đang phát triển nghề nghiệp hội họa với con đường riêng, có nhiều tác phẩm được bán trên các trang bán mỹ thuật quốc tế.
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội, qua đời ngày 20/3/2021 tại nhà riêng, thọ 71 tuổi. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1986, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Ngoài truyện ngắn, ông viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là "hiện tượng hiếm" của văn đàn trong nước.
Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002).
Thanh Nghị