Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 20/3 sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng bởi nó giúp xác định liệu tất cả những ồn ào xung quanh mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump với nước Nga có đủ làm cơ sở để đưa cuộc điều tra vấn đề này đi xa hơn không. CNN điểm qua 4 gương mặt có tiếng nói quyết định mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Giám đốc FBI James Comey
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hồi cuối tháng 10 năm ngoái gửi thư cho Quốc hội thông báo FBI sẽ điều tra một số thư điện tử rò rỉ vì nghi chúng có thể liên quan đến vụ bê bối bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng, đúng lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến hồi nước rút.
Giới chuyên gia nhận định "bất ngờ tháng 10" ông Comey đem tới ít nhiều ảnh hưởng tới cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng, khiến bà Clinton thất thế. Tuy nhiên, theo CNN, ông Comey thực sự không đứng về phe nào.
Comey từng tỏ thái độ không hài lòng về đội ngũ nhân sự của Trump cũng như về việc Tổng thống Mỹ cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama ra lệnh cho FBI nghe lén Tháp Trump nhưng không đưa ra bằng chứng.
Giám đốc FBI dường như sẽ tái khẳng định lại ý kiến từ các lãnh đạo Thượng viện và tình báo Hạ viện rằng: những dòng thông điệp trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Trump là không có cơ sở.
Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ liệu ông Comey có quyết định tiến hành một cuộc điều tra hình sự quanh nghi vấn đội ngũ của Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ hay không. Nếu câu trả lời là có, chính trường Mỹ "chắc chắn sẽ lâm vào cơn chao đảo", bình luận viên Juliette Kayyem từ CNN nhận định.
Cựu quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates
Trump hồi cuối tháng một sa thải quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates vì chống sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên do ông ban hành. Tuy nhiên, có lẽ dấu ấn mạnh mẽ nhất mà bà Yates tạo ra khi còn giữ cương vị quyền bộ trưởng chính là lời cảnh báo rằng ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ, có thể bị mất chức vì mối quan hệ với Nga.
Ngày 14/2, ông Flynn tuyên bố từ chức vì bị nghi ngờ từng thảo luận về lệnh trừng phạt chống lại Moscow với đại sứ Nga tại Mỹ trước khi ông Trump nắm quyền tổng thống. Ông được cho là lừa dối các quan chức về cuộc đối thoại.
Yates sẽ nói gì với Nhà Trắng? Ngày 20/3, bà sẽ lên làm chứng và nhiều khả năng trả lời câu hỏi nhạy cảm này.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes
Ông Devin Nunes nói về nghi vấn Tổng thống Trump bắt tay với Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes từng góp mặt trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump và vẫn giữ quan điểm cho rằng không có chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Tất cả những gì tôi nắm được cho tới sáng nay - không có bằng chứng về hành vi thông đồng", ông Nunes hôm qua nói với kênh truyền hình Fox News về mối liên hệ giữa Trump với Nga trong quãng thời gian ông chạy đua vào Nhà Trắng.
Dựa vào những phát ngôn và quan điểm ông Nunes thể hiện thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện gần như chắc chắn là một tiếng nói đứng về phía Tổng thống Trump.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là một trong những người liên quan nhiều nhất tới cuộc điều tra nhưng lại không có mặt trong phiên điều trần.
Flynn từng gây chú ý khi bị tố cáo nhận tiền bồi dưỡng từ kênh Russia Today để tham gia một buổi tiệc tại thủ đô Moscow, Nga, hồi năm ngoái. Trong buổi tiệc, ông ngồi chung bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Michael Flynn cũng được cho là đã gọi nhiều cuộc điện thoại tới đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Việc này diễn ra ngay trước ngày Tổng thống Obama đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, sau khi cáo buộc Moscow tổ chức tấn công mạng gây ảnh hưởng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Dù không hiện diện nhưng cái tên Michael Flynn chắc chắn sẽ được nhắc tới nhiều, Kayyem dự đoán.
Vũ Hoàng