Giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ được công bố ở Oslo vào ngày 5/10. Dù danh sách ứng viên của giải thưởng danh giá này đang được giữ kín, nhiều người cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Moon Jae-in là những ứng viên hàng đầu vì nỗ lực hòa giải giữa hai quốc gia, theo AFP.
"Tổng thống Hàn Moon Jae-in đã làm rất tốt khi sử dụng Olympic Mùa đông ở Pyeongchang để quảng bá hòa bình", Peter Wallensteen, giáo sư người Thụy Điển chuyên về quan hệ quốc tế, đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác nghi ngờ về khả năng họ đoạt giải. "Đột phá trong quan hệ liên Triều là điều gây ấn tượng nhất trong lĩnh vực này trong năm nay. Nhưng tôi tự hỏi liệu có quá sớm nếu trao giải thưởng dựa trên cơ sở đó", Dan Smith, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), đánh giá.
Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Tổng thống Hàn Moon Jae-in từng nêu khả năng Trump nhận được giải thưởng này vì cách tiếp cận của ông với vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, Smith cho rằng Trump "không phù hợp" vì đã có những quyết định "rất tiêu cực về mặt hòa bình", đáng chú ý nhất là rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Wallensteen đánh giá một ứng viên nổi bật cho giải Nobel Hòa bình năm nay là Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người thúc đẩy nỗ lực hòa giải mới với Eritrea, thắp lên hy vọng về hòa bình bền vững giữa hai nước láng giềng sau 20 năm chiến tranh.
Tuy nhiên, cơ hội của Thủ tướng Ahmed là không cao, bởi ông lên nắm quyền vào tháng 4 và những nỗ lực hòa bình vừa mới được thực hiện trong mùa hè này. Thời điểm này là khá muộn cho Ủy ban Nobel vì họ đã bắt đầu nhận đề cử từ đầu năm.
Vì phong trào #MeToo nâng cao nhận thức toàn cầu về lạm dụng và quấy rối tình dục đã diễn ra mạnh mẽ, giải Nobel Hòa bình năm nay có thể tôn vinh những người tham gia vào cuộc chiến chống bạo lực tình dục, chẳng hạn như bác sĩ phụ khoa Congo Mukwege hoặc Nadia Murad, cô gái bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm nô lệ tình dục.
Từng được đề cử nhiều lần, Mukwege đã dành hai thập niên để giúp phụ nữ hồi phục sau bạo lực và chấn thương vì hãm hiếp ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Murad thì trở thành nhà hoạt động bảo vệ phụ nữ sau quãng thời gian như địa ngục trong tay IS.
Henrik Urdal, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho rằng giải thưởng còn có thể được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) vì nỗ lực cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người mỗi năm.
Từ chiến trường Yemen cho đến các trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh, "chúng ta thấy rằng nạn đói đang trở thành một trong những thách thức nhân đạo lớn hơn trong thời đại hiện nay", ông nói.
Những ứng viên tiềm năng khác bao gồm cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR, các tổ chức bảo vệ truyền thông như Nhóm Phóng viên Không biên giới hay Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (RSF). Dù có nhiều đồn đoán, thế giới sẽ chỉ biết kết quả cuối cùng của giải Nobel Hòa bình năm nay vào 9h GMT (16h giờ Hà Nội) ngày 5/10.