"Tôi có bố chồng 90 tuổi, ngày ngày ông dò vé số. Mỗi tháng ông dùng một đến hai triệu đồng tiền lô đề, vé số. Nhìn chung 90 rồi ông vẫn minh mẫn đi lại tốt".
Độc giả thuylinh kể về người bố chồng 90 tuổi, "ghiền" mua vé số, chơi lô đề như trên. Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Cụ bà nghiện vé số mua hết 27 triệu đồng tiền con cháu gửi.
Trong bài viết này, tác giả kể về người dì 68 tuổi khiến ai cũng bàn tán từ thói quen mua vé số của bà. Mỗi tháng, bốn người con làm ăn xa gửi cho bà tổng cộng 12 triệu đồng, chưa kể tiền cho thuê ruộng vườn và chi tiêu cá nhân không mấy tốn kém.
Đồng thời, tác giả đặt vấn đề Khi nào một thói quen vui vẻ trở thành nghiện ngập?
Nhiều độc giả đã chia sẻ câu chuyện và thảo luận xung quanh vấn đề này. Độc giả kimthuy0345 nói: "Tôi được biết một ông lão nay 97 tuổi, mua vé số từ lúc còn trẻ, vợ mất để sổ tiết kiệm hơn trăm triệu cũng mua vé số hết, lương hưu của ông cũng dùng để mua vé số".
Độc giả hop.phamxuan1302 kể tiếp: "Tôi có ông bác ruột, năm nay 84 tuổi, bác dính vào số đề từ gần 30 năm về trước, chiều nào tầm 4-5 h cũng dò xem hôm nay về số nào, con cái cho tiền để sinh sống tuổi già thì bác ấy đêm chơi số hết, đây là chuyện có thật của gia đình nhà tôi.
Còn thở là còn gỡ, không bỏ được".
Độc giả Hien Le Thanh nói:
"Nhiều bậc cao niên càng mong đổi đời, con cháu càng... mệt. Vì hầu hết họ sống dựa vào con cháu chứ rất ít thu nhập hoặc không có gì nếu chưa đến tuổi được mấy trăm ngàn trợ cấp tuổi già".
Trong khi đó, độc giả liên cho rằng: "Con cái có điều kiện thì đó cũng là đam mê, sở thích của cụ thôi. Để cụ chơi vé số miễn sao sống khỏe là tốt. Chắc cụ cũng mong một ngày sẽ cho con, cháu một khoản... nhìn chung còn đam mê, còn sở thích là sống lâu lắm".
Không đồng tình, độc giả huyvinhdalat nói: "Đừng cứ cái gì cũng gắn nhãn 'đam mê' để làm cớ. Đam mê nó cũng phải có giới hạn, tiền con cái gửi về là để mua đồ ăn, mua sữa, mua thuốc, để có sức khoẻ tốt hơn, chứ đem tất cả đi đổ vào may rủi rồi nhịn ăn nhịn mặt, lăn ra ốm lại khổ con khổ cháu".
Thành Đô tổng hợp