Một phần tư thế kỷ làm công nhân gác chắn, chị Chinh không nhớ nổi mình bị mắng chửi, dọa đánh bao nhiêu lần chỉ vì đóng barrier đúng giờ tàu đến.
Có lần, chị bị tài xế đấm liên tiếp vào đầu đến bẹp cả mũ cối. Bởi Chinh không cho gã vượt đường ngang dân sinh và kiên quyết đóng barrier khi tàu đã phát tín hiệu xin đường. Người đi đường không ai can ngăn, chỉ có đồng nghiệp cố cản để Chinh chạy vào trạm chốt cửa, cầu cứu công an.
Mỗi năm, nơi chị làm việc có hơn chục vụ hành hung công nhân gác chắn. Có lúc, dù nhân viên đã bật đèn, thổi còi, kéo gác chắn, dân vẫn cố lách qua, hãm không kịp giàn chắn thì họ quay lại chửi bới. Bị dọa đánh đến mức chị quen, “hôm nào không nghe tiếng chửi bới thì thấy lạ”.
Dọc tuyến đường sắt Bắc Nam tồn tại hơn 1.500 đường ngang có phép và 4.200 đường ngang trái phép. Cơ chế an toàn của những đường ngang này, ở cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, được vận hành bằng tay và được bảo vệ bằng việc giơ đầu chịu đánh.
Thể trạng khỏe mạnh của người phụ nữ này có lúc được dùng cho những cuộc chạy đua phi thường: nếu có sự cố ở đường ngang và đoàn tàu đang chạy tới, thì Chinh sẽ chạy bộ ngược về hướng đoàn tàu, tay cầm đèn, miệng thổi còi và chặn tàu lại. Thuật ngữ chị dùng gọi là “bắt tàu”. Một lần “bắt tàu” thành công, ngăn tai nạn xảy ra, Chinh được thưởng hai trăm nghìn đồng.
Chinh tính xởi lởi, hay cười. Lúc kể cho tôi chuyện bị đánh, bị chửi, chị cũng chỉ cười, thái độ bình thản như người ta kể chuyện hôm nay ăn gì, đi đâu chơi.
Hôm 22/5, hai đồng nghiệp của Chinh là nhân viên gác chắn ga Tĩnh Gia đã bị bắt tạm giam ba tháng để phục vụ điều tra. Họ bị cáo buộc về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ tàu SE19 bị lật sau khi tông vào xe ben khiến hai người chết, hàng chục người bị thương ở Thanh Hóa trước đó một ngày.
Bảy năm trước, một nhân viên gác chắn khác là Trần Viết Hải nhận mức án ba năm tù vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong ca trực, Hải không có hành động cấp báo cũng như ra tín hiệu cho tàu dừng lại. Đoàn tàu SE 2 lao thẳng vào loạt xe hơi trên cầu Ghềnh, Đồng Nai làm 2 người chết, 22 người bị thương. Nghe tòa tuyên án, Hải ngất xỉu, còn người mẹ gào khóc giữa sân.
Bốn ngày, bốn vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nhưng theo lãnh đạo công ty đường sắt, ba trong bốn vụ đều có “yếu tố chủ quan của người lao động”.
Nhiều hôm lên ca, Chinh chỉ cầu mong mình đừng ngủ gật. Bởi chị có thể lãnh ngay hậu quả như Hải, như hai đồng nghiệp kia dù làm việc 12 tiếng mỗi ngày để nhận lương của một lao động chân tay, khoảng 4 triệu đồng.
Nghị trường Quốc hội ngày này năm trước, Bộ trưởng Giao thông tiền nhiệm đã thừa nhận “Đường sắt Việt Nam đi từ hiện đại tụt xuống lạc hậu”. Khi đường bộ được đầu tư tới 90%, thì cơ cấu đầu tư của đường sắt chỉ chiếm một thị phần nho nhỏ: 3%.
Năm nay, sau những tai nạn thảm khốc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cũng thừa nhận khả năng “ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thấp”, phụ thuộc vào lao động, nên khi lơ là dễ xảy ra tai nạn.
Hãy tưởng tượng rằng nếu thay “đường sắt” bằng “hàng không” trong những mệnh đề này, chúng ta sẽ có những sân bay mà nhân viên không lưu vẫn đứng dưới đường băng, ra tín hiệu bằng đèn pin cho máy bay đáp xuống. Lịch cất cánh và hạ cánh được ghi bằng một quyển sổ to. Và nếu có máy bay rơi, người cầm đèn này sẽ đi tù, còn Bộ trưởng Giao thông sẽ “nhận trách nhiệm”. Một tưởng tượng rất khó chấp nhận.
Trong hơn 9.000 ngày làm việc của Chinh, một quy trình lặp lại: nhận tín hiệu xin đường, bật chuông cảnh báo, thổi còi ra hiệu cho xe cộ dừng lại, kéo gác chắn đến khi tàu đi qua. 25 năm trôi qua, chị vẫn cập nhật thông báo bằng điện thoại, vẫn những cuốn sổ tay ghi chi chít lịch báo tàu.
Trong năm 2017, đã có 500 công nhân viên đường sắt nghỉ việc. Trong đó có 10 người ở cùng trạm với Chinh. Lý do thì dễ thấy. Lương thấp, đòi hỏi trách nhiệm quá cao, công việc của họ giống một canh bạc mà nếu thành công, mức lương thu được chỉ bằng một nửa một người bốc vác chăm chỉ ngoài chợ đầu mối; còn nếu sai, là tù tội, là tính mạng con người.
Cho những người này đi tù thì mức độ an toàn của ngành đường sắt có tăng lên không?
Hoàng Phương