Chồng tôi hiện nay là tiến sĩ và phó trưởng khoa của một trường đại học công chưa tự chủ. Tổng thu nhập (bao gồm cả lương, tiền hỗ trợ cán bộ trình độ cao, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp quản lý) hiện chưa đến 13 triệu đồng mỗi tháng. Chi trả tiền dạy vượt giờ chưa được 100 nghìn đồng cho mỗi tiết. Tiền vượt giờ cả năm cũng chỉ tương đương khoảng 1-2 tháng lương.
Về số lượng tiến sĩ trong các trường đại học, tỉ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên của các trường đại học vùng đều không cao so với yêu cầu (chưa nói so với các nước phát triển hơn), và rất khó để tuyển hoặc đào tạo thêm với cơ chế lương như vậy.
Theo lộ trình tự chủ đại học của bộ, các trường công gần như bị cắt toàn bộ (hoặc phần lớn) kinh phí hỗ trợ. Nguồn thu gần như duy nhất là học phí. Tức là các trường đại học giờ vận hành gần giống doanh nghiệp hơn là một đơn vị công tiêu tiền ngân sách như nhiều bạn đang nghĩ.
Nhiều người đang phàn nàn vì đại học tăng học phí. Nhưng tôi cho rằng, học đại học là một dạng đầu tư cho tương lai. Không có chi phí thì sao đầu tư. Cũng giống như khởi nghiệp thôi, phải có gì đó làm xuất phát điểm.
Giả sử bạn muốn mở một quán cà phê với dự định kiếm thu nhập lâu dài từ đó, vậy bạn có phải đầu tư tiền, thời gian, công sức không? Tiền đầu tư cho một quán cà phê cũng đến hàng trăm triệu. Học đại học, dù khác về hình thức, nhưng cũng có cùng mục đích, và bạn cũng phải đầu tư tương tự.
Làm gì có chuyện không muốn đầu tư hoặc đầu tư với mức quá thấp mà đạt được mục đích cao? Nếu thấy rằng khoản đầu tư đại học là quá sức, có thể lựa chọn đầu tư học nghề. Đầu tư cho đại học không phải là một việc cần phổ cập.
Với nhóm đối tượng yếu thế học đại học, chúng ta có thể ưu đãi bằng học bổng hoặc vay vốn lãi suất thấp để đầu tư. Mà muốn có học bổng tốt thì học phí phải tăng, để lấy kinh phí từ nhóm ưu thế hỗ trợ nhóm yếu thế nhưng có năng lực.
Như vậy tất cả đều có lợi khi học phí tăng. Thực tế các trường hiện nay đều có quỹ học bổng khá dồi dào. Các bạn khó khăn về kinh tế có thể dùng lực học để lấy học bổng bù đắp. Các ngân hàng chính sách xã hội đang cho sinh viên vay vốn khá dễ dàng.
Tôi cho rằng, việc tăng học phí đại học là điều cần thiết để các trường có điều kiện nâng cao chất lượng. Từ đó, giáo viên, học sinh đều hưởng lợi và có cơ hội phát triển bản thân.
Chi Chi
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.