Ông Tenet nói về Iraq: "Đất nước không thể bị chia cắt. Nếu việc đó xảy ra, thì người dân tin rằng họ có quyền muốn làm gì thì làm ở những mảnh đất mà họ lựa chọn. Tình hình khi đó sẽ khó khăn hơn nhiều".
Tại Washington, giới chức thừa nhận họ tập trung vào thảo luận biện pháp đưa viện trợ nhân đạo tới khu vực ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Các trợ lý Nhà Trắng nhận thức rằng, nếu chiến dịch quân sự chống Iraq kéo dài, hoặc nỗ lực ổn định bị người dân nhìn nhận là sự chiếm đóng của nước ngoài, thì những đối thủ của ông Bush sẽ chớp ngay cơ hội.
Những vấn đề sau cũng làm Washington lo ngại:
Chuyển giao quyền lực lộn xộn. Theo nhiều kế hoạch, Saddam Hussein và các trợ lý sẽ bị lật đổ nhanh chóng. Một cuộc đảo chính hay việc nhà lãnh đạo Baghdad lưu vong có thể ngăn chặn được chiến dịch quân sự, nhưng lại tạo ra khả năng Hussein ra đi mà Mỹ không giành được quyền kiểm soát Iraq. Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice nói: "Chúng ta phải loại bỏ chủ nghĩa Saddam". Một số quan chức Lầu Năm Góc đặt câu hỏi, liệu quân đội Mỹ có phải tới Iraq để đảm bảo rằng chính phủ kế tiếp sẽ từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt, trong trường hợp đảo chính hay nhà lãnh đạo Baghdad chấp nhận sống lưu vong, hay không.
Lộn xộn sau khi ông Hussein ra đi. Nhiều quan chức đã tính đến khả năng các nhóm đối địch bị kiềm chế nhiều thập kỷ nay sẽ thoải mái đấu đá nhau. Họ kết luận giải pháp có thể là cuộc chiếm đóng của quân đội Mỹ có thể kéo dài hơn 18 tháng, thời hạn mà bà Rice từng nói. Thứ trưởng Quốc phòng Douglas J. Feith cho rằng việc tiếp cận kho vũ khí hủy diệt sẽ là một "việc phức tạp, nguy hiểm và tốn kém".
Những diễn biến bên ngoài Iraq. CHDCND Triều Tiên là mối lo ngại đầu tiên, vì cuộc khủng hoảng Iraq làm tất cả các nguồn lực quân sự của Lầu Năm Góc tập trung ở Trung Đông. Nguy cơ không kém phần đáng ngại là chủ nghĩa khủng bố ngay trên đất Mỹ hoặc châu Âu. Một quan chức nhận định khó có thể biết được hành động khủng bố là do thành viên Al Qaeda lợi dụng tình hình xung đột hay do điệp viên Iraq tiến hành.
Gìn giữ các giếng dầu. Các chuyên gia quốc phòng đã đặt giả thiết Tổng thống Saddam Hussein sẽ cố gắng phá hủy cơ sở hạ tầng khai thác dầu. Vấn đề duy nhất là ông sẽ tiến hành đến mức độ nào: Cho phát nổ những cơ sở bơm dầu trên mặt đất (sẽ dễ dàng khắc phục sau này), hay chôn chất nổ sâu dưới lòng đất, phá hủy cơ sở hạ tầng từ dưới lên (sức tàn phá sẽ lớn hơn nhiều).
Nguyễn Hạnh (theo The New York Times)