Cơ sở được xây dựng theo phong cách châu Âu của Huawei ở Đông Quản, Quảng Đông. Ảnh: Huawei. |
Bản sao Cung điện Versailles, tháp pháo thời trung cổ và những tháp nhọn tạo nên khung cảnh giống như trong chuyện cổ tích ở khuôn viên mới của Huawei tại miền nam Trung Quốc. Chúng là biểu tượng cho sự phát triển của tập đoàn viễn thông và cả lợi ích của viện trợ chính phủ.
Cơ sở này nằm trên mảnh đất được chính quyền địa phương bán cho Huawei với giá thấp. Việc Trung Quốc trợ cấp cho doanh nghiệp nội như Huawei là một trong những điểm khiến Mỹ phàn nàn về chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Huawei là điểm nóng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sau khi bị Trump ngăn chặn giao dịch với doanh nghiệp Mỹ, đe dọa tham vọng toàn cầu của họ.
Claire Reade, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ nói rằng Huawei được "mua đất với giá thấp hơn giá thị trường, nhận các khoản trợ cấp nghiên cứu và phát triển lớn và được tài trợ xuất khẩu". Bà đánh giá các nước khác có thể mang vấn đề này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối nếu những chính sách đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước họ.
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã bác bỏ công ty ông nhận được trợ cấp chính phủ trong một cuộc phỏng vấn của BBC vào tháng hai. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Huawei sau đó đính chính ý ông Nhậm là công ty không nhận viện trợ đặc biệt nào từ chính quyền. "Giống như các công ty khác, Huawei nhận được trợ cấp nghiên cứu từ chính phủ", người phát ngôn nói.
Trong 10 năm qua, Huawei nhận được 11 tỷ NDT (1,6 tỷ USD) trợ cấp. Hơn một nửa được Trung Quốc trao dưới dạng "trợ cấp chính phủ vô điều kiện" vì "những đóng góp của công ty cho sự phát triển công nghệ cao" ở Trung Quốc, theo báo cáo thường niên của Huawei năm 2009.
Một số kỹ sư hàng đầu của Huawei cũng nhận được tiền thưởng thông qua các chương trình của chính phủ: hơn 100 người năm ngoái nhận được hàng trăm nghìn USD từ thành phố Thâm Quyến.
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc thường mời gọi các công ty đặt cơ sở ở thành phố của họ bằng cách giảm giá đất. Khuôn viên lấy cảm hứng từ châu Âu của Huawei được chính quyền thành phố Đông Quản ở Quảng Đông phân loại là đất sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Với vị thế là công ty hàng đầu Trung Quốc, Huawei được mua 127 ha đất với chi phí bằng 1/10 giá thị trường.
Thành phố cũng đã bán phần đất ven hồ với giá thấp cho một chi nhánh của Huawei để xây dựng hơn 20.000 căn hộ cho nhân viên xung quanh khuôn viên công ty. Tại khu phức hợp Huawei Lakeside Garden, các nhân viên làm việc cho Huawei từ ba năm trở lên và đáp ứng một số tiêu chuẩn khác có thể mua căn hộ với giá bằng 1/3 giá thị trường.
Ông Tập Cận Bình và Nhậm Chính Phi tại trụ sở của Huawei ở London năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc còn cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp từ những nước đang phát triển để tăng doanh số bán hàng của Huawei. Hành động này đôi khi khiến họ rơi vào thế khó vì các khoản vay có rủi ro lớn.
Huawei năm 2004 ký hạn mức tín dụng 10 tỷ USD với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) nhằm cung cấp cho các khách hàng khoản vay để mua thiết bị viễn thông của mình. Mức này đã tăng gấp ba lần lên 30 tỷ USD năm 2009.
"Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, bao gồm viễn thông và thiết bị internet, không còn cao như trước đây", Chủ tịch CDB, Trịnh Chi Kiệt nói. "Chúng ta có thể làm gì với năng lực sản xuất dư thừa? Chỉ có cách là tiếp cận thị trường nước ngoài".
Năm 2009, công ty viễn thông Brazil Telemar Norte Leste nhận được khoản vay 500 triệu từ CDB với lãi suất thấp để mua sản phẩm của Huawei. Cuối năm 2015, Oi S.A, công ty mẹ của Telemar, cử một phái đoàn đến Trung Quốc để ký thỏa thuận vay 1,2 tỷ USD với CDB, một nửa để mua thiết bị Huawei và một nửa để trả các khoản nợ khác của Oi.
6 tháng sau, Oi đệ đơn xin bảo hộ phá sản (doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản tiến hành thủ tục pháp lý để được trì hoãn trả nợ trong khi tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh). CDB chưa thu hồi được khoản nợ 650 triệu USD và họ sẽ không được thanh toán cho đến năm 2023. Dù vậy, Oi đang hợp tác với Huawei để chuẩn bị cho mạng 5G.
Tương tự, nhà cung cấp mạng không dây Ấn Độ Reliance Communications đã nộp đơn xin phá sản vào mùa xuân năm nay. CDB và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc nằm trong số các chủ nợ lớn nhất.
"Hầu hết công ty viễn thông đang hoạt động rất tốt, chỉ có một, hai công ty gặp khó khăn", ông Trịnh nói. "Đó là rủi ro kinh doanh của ngân hàng".
Phương Vũ (Theo AFP)