"Họ đã lừa tôi. Họ dụ tôi tới bệnh viện rồi bảo rằng sẽ làm xét nghiệm máu cho con tôi", bà Sara cho biết. Tuy nhiên, Camilo, bé trai 4 ngày tuổi, không bao giờ trở về sau khi rời khỏi vòng tay mẹ.
"Tôi đã tìm kiếm khắp bệnh viện, sau đó ra ngoài và nhờ một cảnh sát giúp đỡ. Anh ta nhìn tôi cười và nói rằng tôi điên rồi", người mẹ mất con kể lại những ký ức đau buồn hồi năm 1988 tại bệnh viện ở thành phố Temuco, miền nam Chile.

Bà Sara Jineo, người phụ nữ bị thất lạc con tại miền nam Chile. Ảnh: BBC.
Sara vẫn sống ở ngoại ô Temuco và không ngừng tìm kiếm con trai mình suốt 30 năm qua. Bà tin rằng cậu bé đã được đưa sang nước khác. Một tài xế taxi địa phương nói với Sara rằng ông nhìn thấy một phụ nữ bế theo đứa trẻ đang khóc tới sân bay vào ngày Camilo biến mất. Chiếc chăn cuốn quanh bé trai này giống hệt loại đặc biệt mà bà Sara sử dụng.
Bà Sara không phải người duy nhất rơi vào tình huống này. Một thế hệ mẹ con tại Chile đang cố gắng tìm nhau sau khi bị chia cách trong thời kỳ cố độc tài Augusto Pinochet nắm quyền từ năm 1973 đến 1990.
Nhiều bà mẹ, trong đó có Sara, là người Mapuche, cộng đồng người bản địa lớn nhất Chile, chiếm khoảng 7,5% trong số 17 triệu dân. Họ thường sống tại các vùng nông thôn nghèo đói phía nam, luôn cảm thấy bị đối xử như công dân hạng hai, bị tước đoạt đất đai và mất bản sắc văn hóa.
Tình trạng nhận con nuôi bất hợp pháp không bắt đầu trong những năm Pinochet cầm quyền, đồng thời cũng xảy ra tại nước láng giềng Argentina. Tuy nhiên, "chiến lược đánh cắp trẻ sơ sinh" được thúc đẩy dưới thời của ông với mục đích cụ thể.
Chính phủ Pinochet muốn xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực, đặc biệt là ở trẻ em. Cách thực hiện đơn giản là đưa số trẻ em này ra khỏi đất nước, theo Jeanette Velasquez, nhân viên nhóm tình nguyện Hijos y Madres del Silencio đấu tranh vì quyền của bà mẹ và trẻ em.
Bà Velasquez cho biết các nhân viên xã hội, nữ tu, bác sĩ, luật sư và nhiều tổ chức nhận con nuôi quốc tế đã cùng nhau tham gia vào kế hoạch tỉ mỉ nhằm đưa trẻ sơ sinh tới các nước phát triển, bao gồm Hà Lan, Mỹ, Thụy Điển và Đức.
"Một số phụ nữ kể cho tôi những câu chuyện khủng khiếp như họ bị cướp con ngay khi đang cho chúng bú. Rất nhiều vụ bạo lực đã xảy ra", Velasquez cho hay.
Biện pháp gây áp lực tâm lý để chia cắt cũng được áp dụng. Nhân viên xã hội sẽ nói với các bà mẹ rằng họ không thể nuôi đứa trẻ vì quá nghèo, hoặc họ đã có quá nhiều con. Những người dễ bị tổn thương, chủ yếu là bà mẹ đơn thân, thường bị nhắm tới. Một số phụ nữ khác bị ép ký những giấy tờ mà họ không hiểu. Nhiều người thậm chí còn nhận được thông tin con họ đã chết.
Mẹ của Alejandro Quezada nằm trong số những phụ nữ trên. Bà sống tại vùng nông thôn ở ngoại ô thành phố Valdivia, phía nam Chile và trở thành mẹ đơn thân từ năm 14 tuổi.
Ngay sau khi sinh Alejandro tại nhà, bà đưa con tới bệnh viện địa phương để kiểm tra, nơi hai người bị chia cắt. Các nhân viên bệnh viện khẳng định Alejandro bị bệnh, sau đó nói với mẹ của anh rằng con bà đã chết và thi thể được xử lý. "Họ tiêm thuốc khi mẹ tôi bắt đầu la hét, khiến bà không thể tỉnh dậy suốt ba ngày", Alejandro cho biết.

Giấy tờ nhận nuôi Alejandro vào năm 1979. Ảnh: BBC.
Những phụ nữ như mẹ ruột của Alejandro không bao giờ nhận được giấy chứng tử hoặc được phép nhìn thi thể con họ. Các bác sĩ nói rằng điều này sẽ khiến họ đau buồn. Bầu không khí đầy bất an dưới thời Pinochet cũng khiến các bà mẹ không dám hỏi thêm.
Sau này Alejandro mới chắp nối các chi tiết lại và biết được câu chuyện của mình. Anh tới Hà Lan vào năm 1979 khi mới vài tuần tuổi do được một cặp vợ chồng tại đây nhận nuôi, bởi họ muốn giúp những nước nghèo hơn. Cha mẹ nuôi của Alejandro tưởng rằng mẹ ruột anh đã tự nguyện rời bỏ con.
"Trong những năm niên thiếu, tôi có rất nhiều câu hỏi về danh tính của mình. Dù yêu thương và tôn trọng cha mẹ nuôi, tôi vẫn cảm thấy buồn bã, cô đơn và mất kiểm soát", Alejandro cho hay.
Vào năm 1997, ở tuổi 17, chàng trai gốc Chile trở về quê hương cùng gia đình nuôi để gặp nữ tu người Hà Lan đã sắp xếp việc nhận nuôi anh. Bà đưa Alejandro tới gặp mẹ ruột mình.
Anh ngay lập tức nhận ra sự tương đồng về ngoại hình giữa họ, nhưng cuộc gặp gỡ này không dễ dàng. "Tôi có quá nhiều câu hỏi cho bà ấy, nhưng tình thế khá tuyệt vọng bởi chúng tôi không hiểu ngôn ngữ của nhau. Nữ tu cũng không cho chúng tôi nhiều thời gian", anh cho biết.
Alejandro, người được nuôi dạy bằng tiếng Hà Lan, sau đó quyết định học tiếng Tây Ban Nha để anh và mẹ ruột có thể nói chuyện mà không cần người phiên dịch. Tới năm 30 tuổi, Alejandro mới biết sự thật là mẹ anh chưa bao giờ muốn rời bỏ con mình, mà được thông báo rằng anh đã chết.
Nữ tu sắp xếp việc nhận nuôi Alejandro hiện sống ở Hà Lan. Bà tin những việc mình từng làm là đúng đắn, bởi nó mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho Alejandro và nhiều đứa trẻ khác bằng cách đưa họ tới gia đình nuôi.

Alejandro và mẹ ruột của mình tại Chile. Ảnh: BBC.
Trải nghiệm này thôi thúc Alejandro thành lập tổ chức Con nuôi người Chile Toàn cầu, với mục đích giúp những người con nuôi khác tìm được mẹ ruột của họ. Quá trình tìm kiếm thường khá khó khăn. Các tài liệu nhận nuôi hiếm khi đề tên đầy đủ của cả cha và mẹ. Đôi khi tên và mã số định danh cá nhân cố tình bị thay đổi.
Chính phủ Chile năm ngoái mở cuộc điều tra bởi các bà mẹ muốn biết lý do con họ bị cướp đi khi chưa nhận được sự đồng ý của họ. Do số lượng đơn khiếu nại ngày càng tăng, một đơn vị cảnh sát đặc biệt được thành lập hồi tháng 3/2018 để hợp tác với các bà mẹ tại những khu vực có nhiều đứa trẻ được cho là bị đánh cắp.
Chính phủ cùng các tổ chức từ thiện còn hỗ trợ các bà mẹ xét nghiệm ADN, nhằm góp phần tạo ra một ngân hàng dữ liệu do chính phủ quản lý, giúp những người con nuôi tìm được mẹ ruột của mình.
Tuy nhiên, một số người không tin rằng các điều tra viên đang tìm hiểu tận gốc vấn đề. Giới phê bình nhận định chính phủ Chile cố bao che cho các thẩm phán, nhân viên xã hội, nữ tu và những người khác liên quan tới đường dây đánh cắp trẻ sơ sinh, giúp họ không bị truy tố.
Thẩm phán tòa phúc thẩm Jaime Balmaceda là một trong những người tham gia cuộc điều tra của chính phủ, chịu trách nhiệm xác định các trường hợp nhận con nuôi có hợp pháp hay không. Ông cho biết họ không cố ý trì hoãn cuộc điều tra hay bao che cho bất cứ ai, mà quá trình thường bị cản trở do thiếu giấy tờ.
Tuy nhiên, Alejandro không muốn nữ tu đưa mình tới Hà Lan phải ngồi tù vì bà đã 80 tuổi. "Chúng tôi bị đối xử một cách vô nhân đạo, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi cũng đối xử với người khác như vậy", anh cho biết, nói thêm rằng mục đích của anh là đảm bảo sự việc tương tự không bao giờ xảy ra trong tương lai.
"Nếu bạn muốn nhận con nuôi để giúp đỡ người khác, thì đó là một trong những điều cao quý nhất thế giới. Nhưng bạn cần nắm được tất cả thông tin, bởi đứa trẻ sẽ thắc mắc về nguồn gốc của chúng. Bạn cần chắc chắn rằng mình biết câu trả lời", Alejandro nói.
Ánh Ngọc (Theo BBC)