Tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, riêng năm 2021, khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu tiếp tục tăng hơn 10%. Lần điều chỉnh gần nhất đầu năm 2020, mức lương vùng I (cao nhất trong 4 vùng) là 4,42 triệu đồng, chưa đáp ứng mức sống thấp nhất và chỉ bằng 59% lương đủ sống, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động. Hai năm dịch bùng phát làm phát sinh nhiều chi phí y tế, giá cả tăng cao khiến cuộc sống công nhân thêm khó khăn do lương gần như giậm chân tại chỗ.
Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ dành một tháng, bắt đầu từ 1/4/2022, để khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống người lao động tại 18 tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Nội dung khảo sát là thực hiện quy định lương tối thiểu vùng, điều chỉnh của doanh nghiệp trong quý 1 năm nay ra sao khi lương tối thiểu năm 2021 không thay đổi; thống kê mức lương thấp nhất thực trả cho lao động tại 4 vùng; quỹ lương theo công việc hoặc chức danh, lương làm thêm giờ; số giờ làm việc trung bình của người lao động; lương, thưởng, phúc lợi, chi tiêu, nhà ở...
"Tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng và bức thiết của đa số lao động sau hai năm bị trì hoãn", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nói. Bởi công nhân chưa hết những khó khăn do đại dịch giờ tiếp tục đối mặt giá cả tăng cao nên rất cần bù đắp khoản thiếu hụt.
Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, sau khi tổng hợp các chỉ số CPI, GDP, năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... riêng năm 2022, lương tối thiểu vùng phải tăng lên ít nhất 10% mới có thể tiệm cận mức sống thấp nhất.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn khảo sát mức sống tối thiểu để có cơ sở phục vụ cho phiên họp sắp tới của Hội đồng tiền lương quốc gia với kỳ vọng mức tăng năm nay bù đắp được phần thiếu hụt của giai đoạn 2016-2020 và hai năm tạm hoãn. Theo ông Hiểu, trước đó Tổng liên đoàn nhiều lần đề xuất tăng lương tối thiểu trong năm 2021, rồi vào nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói trong bối cảnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, xét theo tình hình thực tế, việc tăng lương tối thiểu giai đoạn này là "chưa khả thi".
Lãnh đạo VCCI nhìn nhận lao động đang khan hiếm, ai cũng muốn giữ công nhân để hoàn thành đơn hàng. Thực tế nhiều nhà máy tìm mọi cách xoay xở, có người chủ còn bán cả tài sản cá nhân để đủ kinh phí đảm bảo các chính sách tốt nhất cho lao động. Tại nhiều công ty, thu nhập của công nhân không phụ thuộc vào lương tối thiểu. Song với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày sử dụng hơn 3,4 triệu lao động, tăng lương tối thiểu là vấn đề rất lớn.
"Lương tăng cao sẽ đội chi phí, ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Phòng nói. Đồng tình "tăng lương là nhu cầu chính đáng" nhưng lãnh đạo VCCI cho biết "lấy cái gì để tăng mới cần đáng bàn" bởi pháp luật cũng quy định mức tăng phụ thuộc khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hiện, VCCI lấy ý kiến chủ doanh nghiệp để sắp tới họp với Hội đồng tiền lương quốc gia.
Những bất đồng giữa VCCI và Tổng liên đoàn lao động không chỉ ở năm nay, mà gần chục năm qua các cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia đều chứng kiến những cuộc tranh luận không hồi kết giữa hai bên.
Ông Tống Văn Lai, Phó cục trưởng Cục quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói bên nào cũng đưa ra lý lẽ để giành phần lợi cho mình. Có những năm giới chủ đề nghị giữ nguyên, không tăng, công đoàn lại yêu cầu phải tăng 7%. Bất chấp 5 thành viên của Tổng liên đoàn đồng loạt đứng dậy bỏ về, phía VCCI quyết giữ đề xuất.
Yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất là làm rõ "mức sống tối thiểu". Ông Lai nói rằng các bên đều đồng thuận với phương pháp tính, nhưng không thống nhất được thông số đưa vào để tính toán, tranh luận gay gắt về rổ hàng hóa.
PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nhiều năm là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, ví dụ để tính mức sống tối thiểu, phía Tổng liên đoàn cho rằng nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện chỉ chiếm 48% tiền lương công nhân, 52% dành cho nhóm phi thực phẩm như y tế, giáo dục... nhưng VCCI lại cho rằng tỷ lệ này là 50-50.
Ngoài ra, nếu công đoàn tính chi phí để nuôi một đứa trẻ chiếm 70% mức chi của người lớn thì đại diện giới chủ cho rằng chỉ 50%. Để tính được lượng thức ăn mỗi lao động cần nạp hàng ngày, công đoàn dựa vào số liệu Viện dinh dưỡng quốc gia là 2.300 kcal nhưng đại diện doanh nghiệp cho rằng chỉ ở mức 2.000.
"Để chấm dứt những tranh cãi này rất cần một cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm tính toán, công bố mức sống tối thiểu hàng năm", ông Thọ nói.
Ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nguyên phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia (giai đoạn 2013-2018), cho rằng ngoài mức sống tối thiểu, yếu tố "khả năng chi trả của doanh nghiệp" được đưa vào Bộ Luật lao động (năm 2019) cũng gây tranh cãi vì "thiếu công cụ kiểm soát, đo đếm".
"Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm công bố khả năng chi trả của doanh nghiệp", ông Chính đặt vấn đề và đề nghị cần sự tham gia của cơ quan thuế để xác định được doanh nghiệp lời lỗ ra sao để làm cơ sở.
Với 6 năm tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Chính nói Tổng liên đoàn lao động gần như đơn độc trong các cuộc bỏ phiếu kết quả cuối cùng. "Chúng tôi hầu như không hài lòng với mức tăng qua các kỳ, 5 thành viên của Tổng liên đoàn không đồng tình, bỏ phiếu chọn phương án khác nhưng không 'đấu' lại 10 phiếu của VCCI và bộ lao động", ông Chính nói.
Theo quy định của Bộ luật lao động, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có thêm hai thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội, nâng tổng số lên 17. Ông Chính kỳ vọng điều này sẽ thêm tiếng nói khách quan, thúc đẩy mức điều chỉnh lương tối thiểu phù hợp thực tế.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường xuyên giúp dự đoán sự thay đổi, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển. Nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu bị trì hoãn trong vài năm, khi đó bất cứ quyết định nào được đưa ra đều có thể dẫn tới tăng lương đột ngột và đáng kể, khiến doanh nghiệp khó gánh được chi phí.
ILO Việt Nam khuyến nghị, với tình hình hiện nay, các bên liên quan cần phát huy vai trò đối thoại trong xác lập lương tối thiểu. Việc điều chỉnh lương tối thiểu cần đảm bảo cân bằng với sự tham gia của đại diện người lao động, doanh nghiệp, thông qua đối thoại dựa trên bằng chứng. Điều này giúp tránh những hiểu nhầm và căng thẳng, từ đó duy trì, củng cố quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp cũng như ổn định xã hội.
Lê Tuyết