Pháo BM-13 khai hỏa trong Thế chiến II.
Từ Syria đến Crimea, pháo phản lực phóng loạt (MLRS) đồng hành với quân đội Nga trên khắp các mặt trận. Với kích cỡ gọn nhẹ và khả năng hủy diệt lớn, MLRS đã được Liên Xô và Nga sử dụng hiệu quả trong suốt 78 năm qua, theo National Interest.
Rocket không đối không RS-132 ra đời năm 1931 được coi là mẫu MLRS đầu tiên của Liên Xô. Khác pháo thông thường, đạn RS-132 không có nòng pháo để định hướng đường bay ban đầu, khiến nó có độ chính xác rất thấp. Ở cự ly gần, độ lệch là không đáng kể, nhưng khi khoảng cách tăng lên, quả đạn có thể trượt hoàn toàn khỏi mục tiêu.
Năm 1938, Hồng quân Liên Xô ra mắt hệ thống pháo phản lực BM-13. Xe phóng gồm 24 ray thép lắp trên thùng xe vận tải ZiS-6, mỗi ray có thể phóng một quả đạn M-13 có đường kính 132 mm, trang bị đầu đạn nổ mạnh (HE) nặng 5 kg và có tầm bắn tối đa 8,7 km.
Khả năng bắn cấp tập là lợi thế lớn của pháo phản lực phóng loạt. Một tiểu đoàn 8 xe BM-13 có thể phóng ra một tấn chất nổ mạnh và mảnh văng chỉ trong vài giây. Tuy nhiên, chúng vẫn có nhiều nhược điểm. Quá trình nạp đạn chậm, kéo dài tới một tiếng cho mỗi xe BM-13. Độ chính xác của BM-13 được cải thiện so với mẫu RS-132, nhưng vẫn không đủ hiệu quả khi tiêu diệt các mục tiêu nhỏ như lô cốt hoặc cứ điểm. BM-13 chỉ tỏ ra hữu ích trong việc bắn phá khu vực rộng lớn, làm mềm trận địa của phát xít Đức trước mỗi đợt tấn công.
BM-13 được đưa vào biên chế ngay sau Đức tiến hành chiến dịch xâm lược Liên Xô và tham chiến trong suốt Thế chiến II. Các bệ pháo phản lực lắp trên xe tải rất dễ chế tạo. Liên Xô thường gắn các bệ phóng lên khung gầm Studebaker được Mỹ cung cấp qua chương trình viện trợ Lend-Lease. Xuồng bọc thép, xe lửa, xe tăng và phương tiện khác cũng có thể lắp đặt bệ phóng đạn M-13.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô phát triển pháo phản lực chủ lực BM-21 "Grad" (Mưa đá), gồm 40 ống phóng cỡ nòng 122 mm gắn trên khung gầm xe tải Ural-375D. Hơn 11.000 xe phóng Grad đã được chế tạo và biên chế cho quân đội Liên Xô cùng nhiều nước trên thế giới.
BM-21 có nhiều cải tiến so với những phiên bản trước đó. Cơ chế khóa thủy lực trên cụm ống phóng và khung xe làm tăng tính ổn định, cải thiện độ chính xác của loạt bắn. Các ống phóng có rãnh xoắn (khương tuyến) để ổn định đường đạn, tăng độ chính xác tương tự nòng súng trường. Cụm ống phóng Grad có góc nâng tối đa tới 55 độ, đạt tầm bắn tối đa 20,3 km.
Tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 Grad diễn tập bắn đêm.
Hàng loạt mẫu đạn khác nhau được phát triển cho Grad, nhằm đáp ứng yêu cầu từng nhiệm vụ. Biến thể phổ biến nhất là 9M22U, có đầu đạn HE nặng 18,4 kg, gấp ba lần BM-13. Đầu đạn cháy, mìn chống tăng, nổ mảnh, pháo sáng và đạn khói làm tăng tính tiện dụng của BM-21 trong cả tấn công và phòng thủ.
Trong thập niên 1960, Liên Xô bắt đầu thiết kế các hệ thống MLRS lớn hơn. Đầu tiên là tổ hợp BM-27 "Uragan" (Bão táp), đặt trên khung gầm xe tải ZiL-135 8x8 và trang bị 16 ống phóng cỡ nòng 220 mm, đạt tầm bắn tới 33,8 km. Ngoài các loại đầu đạn tương tự tổ hợp Grad, Urugan còn có đạn chống tăng, chống bộ binh và nhiệt áp.
Đạn nhiệt áp khi nổ sẽ phát tán một đám mây nhiên liệu dễ cháy, sau đó kích nổ để tạo ra áp suất và nhiệt độ cực cao, tiêu diệt cho bộ binh co cụm trong hầm ngầm, công sự. Một xe BM-27 có thể phóng loạt 16 quả đạn, phủ kín diện tích 17,4 ha.
Tổ hợp BM-30 "Smerch" (Lốc xoáy) được biên chế cho Hồng quân Liên Xô từ năm 1987. Khi đó, nó là mẫu MLRS mạnh nhất trên thế giới. Đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất thế giới, có khả năng phóng máy bay không người lái 9M534 tới khu vực mục tiêu.
Mỗi xe phóng đạn BM-30 được trang bị 12 ống phóng cỡ nòng 300 mm. Loại đạn 9M55 tiêu chuẩn của Smerch dài 7,6 m và nặng 800 kg. Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km.
Tổ hợp BM-30 diễn tập bắn đạn thật.
Các quả đạn đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác. BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp, đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.
Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương. Một loạt phóng 12 đạn của BM-30 có thể bao phủ diện tích tới 67 hecta. Đôi khi Smerch còn được gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, bởi đầu đạn chống bộ binh của nó có thể tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.
Một trong những hệ thống MLRS lạ thường nhất của Liên Xô và Nga là TOS-1A "Buratino", được định danh là "pháo phun lửa". Một số chuyên gia Mỹ từng gọi hệ thống vũ khí này là "địa ngục trần gian" đối với bất cứ mục tiêu nào bị nhắm bắn.
TOS-1A được thiết kế để bắn thẳng vào các mục tiêu trong tầm nhìn của xạ thủ, thay vì bắn cầu vồng ở khoảng cách hàng chục km. Các quả đạn cỡ 220 mm được ngắm bắn bởi máy tính kỹ thuật số, đem lại độ chính xác cao. TOS-1A có thể phá hủy hoàn toàn một khu vực dài 400 m và rộng 200 m chỉ với một loạt phóng 24 quả. Vì tầm bắn tối đa chỉ đạt 10 km, dễ bị đối phương tấn công, hệ thống TOS-1A được đặt trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 để bảo vệ tổ lái.
Sau gần 80 năm biên chế và phát triển, MLRS vẫn là những hệ thống vũ khí đầy uy lực, đa năng và có tính cơ động cao. Những tổ hợp như BM-30 Smerch và TOS-1A Buratino vẫn sẽ có chỗ đứng quan trọng trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Nga trong tương lai, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.
Việt Hòa