Giới chức Iran hôm 5/8 phát điện văn thông báo hàng không, trong đó cảnh báo các phi công máy bay chở khách về nguy cơ suy giảm hoặc mất hoàn toàn tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) trên không phận nước này trong những ngày tới.
Chưa rõ mức độ ảnh hưởng và nguyên nhân dẫn tới nguy cơ mất tín hiệu GPS trên vùng trời Iran. Tuy nhiên, đây nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy Tehran đã quyết định kích hoạt các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu hệ thống định vị trên vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh, sẵn sàng đối phó các đợt tấn công tiềm tàng từ Israel nếu Tel Aviv quyết định tung đòn phủ đầu.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Iran đang sở hữu nhiều hệ thống tác chiến điện tử hiện đại do Nga sản xuất và sao chép được ít nhất một tổ hợp trong số này, đồng thời tiếp thu nhiều kinh nghiệm tác chiến được Moskva tích lũy qua chiến dịch ở Syria và Ukraine.
Hãng tin Channel 14 của Israel hôm 3/8 nói rằng vận tải cơ hạng nặng Il-76 Nga đã chuyển các tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander và hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đến Iran, nhằm hỗ trợ Tehran ứng phó nguy cơ bị Tel Aviv tập kích.
Giới chức Nga và Iran chưa bình luận về thông tin này.
Theo Army Recognition, Murmansk-BN là tổ hợp gây nhiễu hiện đại nhất trong biên chế quân đội Nga, cũng là một trong những hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất toàn cầu. Đây là sản phẩm do Tập đoàn công nghệ vô tuyến - điện tử (KRET) của Nga phát triển và đưa vào biên chế từ năm 2014, được cho là đủ sức vô hiệu hóa nhiều hệ thống liên lạc điện tử của phương Tây.
Nó có khả năng gây nhiễu tín hiệu vô tuyến, GPS, thông tin liên lạc và vệ tinh, giảm đáng kể hiệu quả của vũ khí dẫn đường và máy bay không người lái (UAV), đồng thời chặn thu và chế áp tín hiệu sóng ngắn trên tần số 3-30 MHz thường sử dụng trên tàu chiến và máy bay quân sự.
Khác với các trạm cố định, Murmansk-BN sử dụng cột ăng-ten có hệ thống thủy lực kiểu ống lồng, đặt trên xe vận tải nhiều cầu chủ động. Phần cột ăng-ten có thể nâng cao tới 32 m.
KRET cho biết Murmansk-BN có công suất phát nhiễu tối đa lên đến 400 kW, gấp hàng chục lần mức công suất 5 kW của các tổ hợp thế hệ cũ, tầm hoạt động không dưới 5.000 km và bao phủ khu vực rộng khoảng 640.000 km2. Hệ thống này dường như từng gây ảnh hưởng đến hoạt động của tiêm kích tàng hình Mỹ trên Biển Đen và biển Baltic.
"Nó có thể gây gián đoạn liên lạc của các khí tài hiện đại nhất trong biên chế quân đội Israel, như chiến đấu cơ F-35I hay tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5, đồng thời cản trở năng lực hiệp đồng giữa các quân chủng và làm suy giảm độ chính xác của vũ khí dẫn đường", bài viết trên Army Recognition có đoạn.
Quân đội Iran cuối năm ngoái ra mắt hệ thống gây nhiễu Cobra-V8 do Tập đoàn Công nghiệp Điện tử Iran (IEI) phát triển, mô tả đây là hệ thống tác chiến điện tử đa nhiệm, có thể chặn thu, phân tích và gây nhiễu tín hiệu radar đối phương ở khoảng cách tối đa 250 km.
Hình dáng của tổ hợp này có nhiều nét tương đồng với hệ thống Krasukha-4 của Nga, đặc biệt là ở thiết kế cụm ăng-ten thu phát sóng, vốn được coi là điểm độc đáo của tổ hợp do Nga chế tạo. Chưa rõ Cobra-V8 là sản phẩm được Moskva chuyển giao công nghệ hay Iran tự phát triển dựa trên khí tài mua từ Nga.
Giới chức Iran không tiết lộ nhiều thông tin kỹ chiến thuật của Cobra-V8, trong khi Krasukha-4 được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng trước hệ thống trinh sát đường không và vũ khí chính xác của đối phương. Máy gây nhiễu chủ động của Krasukha-4 có thể hoạt động trên dải tần 8-18 GHz, vốn được dùng trong radar băng sóng X và Ku có độ chính xác cao của máy bay quân sự cùng thiết bị liên lạc vệ tinh.
Đô đốc Amir Rastegari, giám đốc điều hành IEI, tuyên bố Cobra-V8 từng gây nhiễu máy bay tuần thám P-8A Poseidon của Mỹ khi nó áp sát Iran hồi năm 2023.
"Chiếc P-8A Poseidon hoạt động trong Vùng thông báo bay (FIR) do Iran quản lý và tìm cách thu thập dữ liệu tình báo. Chúng tôi kích hoạt hệ thống gây nhiễu, khiến tổ lái đối phương nhầm tưởng máy bay gặp trục trặc. Họ liên lạc với sở chỉ huy để thông báo sẽ trở về căn cứ", ông nói, thêm rằng nhóm của ông vẫn lưu giữ bản thu âm cuộc đàm thoại đó.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng đang vận hành một số tổ hợp Avtobaza-M được Nga chuyển giao từ năm 2011.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboronexport) cho biết đây là hệ thống tác chiến điện tử thụ động, được thiết kế để phát hiện tín hiệu vô tuyến từ radar hàng không và hàng hải, thiết bị nhận diện địch - ta cùng Hệ thống Dẫn đường Hàng không Chiến thuật (TACAN) được Mỹ và đồng minh sử dụng rộng rãi.
Nó có thể nhận diện và phân loại thiết bị phát sóng, xác định đường di chuyển của khí tài trên không và trên biển dựa theo đặc điểm phát sóng vô tuyến. Avtobaza-M không phải hệ thống gây nhiễu chủ động, nhưng có thể cung cấp tham số mục tiêu cho các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử trong mạng lưới phòng thủ.
Các chuyên gia phương Tây nhận định Avtobaza-M đóng vai trò quan trọng trong vụ Iran tịch thu UAV tàng hình RQ-170 Sentinel của Mỹ hồi tháng 12/2011. Theo đó, Avtobaza-M có thể đã phát hiện hành tung chiếc Sentinel và cung cấp dữ liệu để hệ thống tác chiến điện tử chiếm quyền điều khiển, buộc máy bay hạ cánh ở đông bắc Iran.
Cơ quan Quản lý Hàng không Israel (IAA) hồi năm 2019 cho biết các chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, đã liên tục gặp vấn đề với GPS trong suốt nhiều tuần, buộc tổ lái sử dụng hệ thống dẫn đường đời cũ.
Truyền thông Israel cho rằng các hệ thống tác chiến điện tử được Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria cách đó 350 km là nguyên nhân gây tình trạng nhiễu tín hiệu GPS.
Hàng loạt vũ khí dẫn đường bằng GPS được Mỹ phát triển như bom JDAM, đạn pháo Excalibur và rocket HIMARS, vốn được ca ngợi là "có độ chính xác tuyệt vời", đã liên tục bắn trượt mục tiêu ở Ukraine do bị tác chiến điện tử Nga gây nhiễu.
Vũ Anh (Theo Times of Israel, Army Recognition, IRNA)