Ama, tức người phụ nữ của biển cả, là thuật ngữ chỉ những phụ nữ Nhật Bản lặn tự do để mò hải sản, ngọc trai, theo truyền thống từ 2.000 năm trước.
Những nữ thợ lặn này đã sinh sống nhiều thế kỷ tại vùng biển giàu hải sản xung quanh tỉnh Mie, cái nôi nuôi trồng ngọc trai của Nhật. Thợ lặn ama có thể lặn sâu 30 m, nín thở hai phút.
Nhưng tập tục này đang trên bờ vực biến mất do suy giảm khí hậu, công nghệ phát triển và làn sóng di cư. Nhật Bản hiện chỉ còn khoảng 2.000 thợ lặn ama. Bà Hayasi là một trong 500 người còn lại ở Mie, giảm so với khoảng 4.000 người những năm 1970.
Ở Nhật Bản, phụ nữ được coi là những thợ lặn tài ba nhờ sự phân bổ mỡ trong cơ thể và khả năng nín thở. Ama thời kỳ đầu là những thợ lặn được giao nhiệm vụ đánh bắt bào ngư cho các đền thờ và hoàng đế. Theo truyền thống, Ama mặc màu trắng vì màu này tượng trưng cho sự tinh khiết và có thể nhằm xua đuổi cá mập. Ngay cả trong thời hiện đại, ama lặn mà không cần bình dưỡng khí, khiến họ được đặt biệt danh là "tiên cá".
Giới quan sát lo ngại văn hóa ama có thể không tồn tại được ở các thế hệ tương lai. "Có những người trẻ học nghề, nhưng khó kiếm sống nên hầu hết đã tìm việc khác", bà Hayashi cho biết.
Đối mặt làn nước lạnh giá, bà không nao núng lặn xuống tìm các loại hải sản có vỏ, trên người chỉ có những thiết bị đơn sơ gồm đồ lặn, chân vịt và đai lặn làm bằng dây thừng và đá. Trước đây, mỗi lần ngoi lên, bà thường thu được một giỏ đầy "chiến lợi phẩm", nhưng thời đó đã qua.
"Trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến bào ngư và các loài có vỏ. Rong biển, thức ăn của chúng, không phát triển", bà nói.
Những nữ thợ lặn ama còn lại ở Nhật Bản chủ yếu thu hoạch hải sản có vỏ để lấy thịt. Trước những năm 1960, thợ lặn ama là nguồn nhân lực cốt lõi trong nuôi trồng ngọc trai. Nhưng sau đó họ không còn đóng vai trò quan trọng khi công nghệ nuôi trồng phát triển.
Ngành nuôi trồng ngọc trai cũng trên bờ vực lụi tàn vì biến đổi khí hậu, đô thị hóa và dân số già. Đảo Masaki, tỉnh Mie, từng có 1.000 người làm việc trong ngành này, hiện chỉ còn 40 người, trong đó có nhiều người cao tuổi.
Các doanh nghiệp trang sức có tuổi đời hàng thế kỷ của Mie cũng đối mặt nguy cơ biến mất. Tại đảo Kashikojima nổi tiếng với nghề làm trang sức ngọc trai, nhiều chủ sở hữu đã có tuổi, trong khi người trẻ chuyển đến thành phố tìm việc làm khi triển vọng ngành này giảm sút.
"Ngành làm ngọc trai đang co hẹp với ít người hơn", Naoto Yoshimori, chủ hãng ngọc trai Yoshimori Pearls cho biết.
Ông Yoshimori lo ngại cơ nghiệp ngọc trai ba thế hệ của gia đình sẽ kết thúc ở đời ông, bởi các con dường như không muốn tiếp quản.
"Tôi có hai con trai, nhưng đều theo đuổi sự nghiệp riêng. Tôi sẽ cố gắng cầm cự, tìm cách duy trì. Khi về nhà, chúng không cần làm việc vất vả, mà có thể coi đây là việc kinh doanh phụ", ông nói.
Đức Trung (Theo CNA)