Bằng kiến thức và phương pháp chẩn đoán hiện đại, các chuyên gia khẳng định, viêm khớp không chỉ là bệnh của xương khớp, mà có thể là biểu hiện bệnh tự miễn, bệnh mang tính hệ thống gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trong cơ thể. Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh sẽ bị tàn phế và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ ở tim, tăng huyết áp, tổn thương viêm phổi kẽ và xơ phổi...
Sau khi sinh con gái đầu lòng được 2 tháng, Nguyễn Thu Phương (24 tuổi, Hưng Yên) thấy khớp tay có biểu hiện sưng đỏ nhưng do còn đang cho con bú nên chưa đi khám. Khi con được 10 tháng, cơ thể Phương bắt đầu suy nhược, đi lại khó khăn, không thể tự tắm gội, buộc tóc. Thậm chí cô không thể ẵm bồng, chăm sóc con.
Khi đi khám vài tháng trước, cô được bác sĩ chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp, dùng thuốc một thời gian không cải thiện mà tình trạng ngày càng nặng, toàn bộ các khớp ở bàn tay, bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu... đau buốt nên không thể đi lại, phải ngồi xe lăn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người trực tiếp khám và đang điều trị cho biết, qua thăm khám và xét nghiệm miễn dịch, Phương bị lupus ban đỏ hệ thống (một dạng của bệnh tự miễn - hệ thống miễn dịch tấn công tế bào của chính cơ thể). Do không điều trị đúng và đủ liệu trình nên trở nặng, không chỉ gây đau khớp mà còn ảnh hưởng đến thận, khó thở, thiếu máu, sụt cân.
Thu Phương là trường hợp điển hình cho tình trạng ngày càng nhiều người Việt mắc các bệnh lý viêm khớp tự miễn như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp. Hậu quả lâu dài có thể gây thoái hóa, tổn thương khớp khó phục hồi. Trước đây, việc chẩn đoán thường mất nhiều thời gian, không thể điều trị sớm và triệt để. Với sự phát triển của công nghệ, việc chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh này đang có nhiều tiến triển.
Bác sĩ Hoa giải thích, cơ xương khớp là bệnh lý mang tính hệ thống nên cần có sự phối hợp giữa các chuyên khoa. Trong đó, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến có vai trò quan trọng để phát hiện bệnh sớm và áp dụng công nghệ phân tích hệ thống miễn dịch, giải pháp sinh học, giải pháp tế bào gốc... để điều trị.
Một trong số phương pháp điều trị mới, đang được ứng dụng ngày một phổ biến đó là tái tạo mô tổn thương bằng ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân hoặc sử dụng tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loại, nhất là ở bệnh lý cơ xương khớp dai dẳng, phức tạp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp...
Huyết tương giàu tiểu cầu hay tế bào gốc, có thế được chiết xuất từ mô mỡ, tế bào máu, thậm chí từ máu và mô dây rốn. Ở Việt Nam, ngân hàng tế bào gốc bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã sẵn sàng nghiên cứu ứng dụng công nghệ này trong điều trị.
Tuy nhiên, các giải pháp nội khoa trên chỉ phát huy hiệu quả nếu phát hiện sớm. Trong trường hợp bất khả kháng, bệnh trở nặng, đau đớn, khó vận động, có nguy cơ tàn phế thì phẫu thuật thay khớp được xem là "cứu cánh".
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu cũng dẫn trường hợp tháng trước bệnh viện từng thực hiện thành công ca phẫu thuật thay 8 khớp bàn tay nhân tạo cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp - một dạng bệnh lý khớp tự miễn nhưng không được điều trị triệt để suốt 20 năm dẫn đến khớp bàn - ngón tay cong vẹo, biến dạng, mất gần như hoàn toàn chức năng cầm nắm. Không chỉ toàn bộ các khớp bị hỏng được thay thế, bệnh nhân được tạo hình lại bao khớp, định hướng lại trục và chuyển động của các ngón, đảm bảo cân bằng phần mềm quanh khớp để phục hồi chức năng của bàn tay.
Theo các nghiên cứu, các bệnh lý khớp viêm tự miễn cũng có thể biểu hiện ở tình trạng nghiêm trọng hơn là viêm khớp háng, về lâu dài sẽ gây thoái hóa, tổn thương khớp háng khó phục hồi. Hàng năm có hàng nghìn bệnh nhân được chỉ định thay khớp háng do các bệnh lý tự miễn và tình trạng chấn thương gây gãy cổ xương đùi, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi... Tuy nhiên, đây vẫn là một phẫu thuật lớn, ẩn chứa nhiều rủi ro.
"Các biến chứng mà cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều lo lắng khi thay khớp đó là trật khớp nhân tạo sau mổ hoặc khớp nhân tạo bị lỏng theo thời gian, và cả những kết quả không mong muốn như dáng đi khập khiễng, biên độ vận động bị hạn chế hay đau đớn, nhiễm trùng khớp sau mổ", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Hiện hơn 90% bác sĩ phẫu thuật có lựa chọn ban đầu là thay khớp háng lối sau vì phẫu trường rộng rãi, dễ quan sát. Phương pháp truyền thống này có đặc điểm vết mổ dài thường trên 10 cm, cắt qua nhiều cơ và gân, mất máu nhiều, do đó ảnh hưởng lớn đến kết quả phục hồi sau mổ.
Hơn nữa, việc cắt một phần hay toàn bộ bao khớp và nhóm gân cơ phía sau nên dễ xảy ra tình trạng trật khớp háng sau mổ, bệnh nhân không được ngồi xổm hay bắt chéo chân. Tuy nhiên, với kỹ thuật phẫu thuật mới Superpath có đường mổ nhỏ, mở vào bao khớp phía trên có thể đảm bảo các yếu tố: thao tác thuận lợi, ít tàn phá phần mềm, giảm đau tối đa và vẫn đạt yếu tố thẩm mỹ. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh, ít đau đớn và có thể xuất viện sau 2- 3 ngày.
Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM là một trong số ít chuyên gia tại Đông Nam Á được cấp chứng chỉ thế giới của kỹ thuật này cho biết, không chỉ cải tiến kỹ thuật y khoa, công nghệ thông tin đang hỗ trợ tích cực trong lĩnh vực này. Do cấu trúc giải phẫu và bệnh lý của mỗi người hoàn toàn khác nhau nên cần phải có "bản thiết kế" dành riêng cho từng ca mổ theo phương pháp Superpath.
Mỗi bệnh nhân được chụp quét 3 chiều khớp háng với hệ thống máy CT cắt lớp vi tính 128 lát cắt hiện đại. Sau đó, dữ liệu khớp háng của bệnh nhân sẽ được số hóa và đưa vào hệ thống máy tính, để các bác sĩ tiến hành đo đạc, tính toán và lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết. Phần mềm tính toán áp dụng trí tuệ nhân tạo, điển hình như tại bệnh viện đa khoa Tâm Anh, sẽ mô phỏng các tình huống trong mổ và cả lựa chọn loại khớp, vị trí đặt khớp phù hợp nhất.
Từ "bản thiết kế" này, trong quá trình mổ, phẫu thuật viên tiếp tục sử dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại khác như hệ thống robot chụp hình 3 chiều Siemens Pheno Artis, hệ thống định vị 3D đảm bảo độ chính xác cho các ca mổ.
Việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, sau 24 tiếng phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, bệnh nhân đã có thể tập đi. Sau 3-5 ngày đã có thể tự phục vụ các sinh hoạt cá nhân và xuất viện. Khoảng 3-6 tuần có thể trở về cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong điều trị y học hiện đại về cơ xương khớp, việc phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên ngành nội khoa và ngoại khoa vô cùng quan trọng giúp duy trì chức năng ổn định lâu dài cho hệ cơ xương khớp của bệnh nhân sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần tìm hiểu thông tin đầy đủ để quá trình điều trị hiệu quả cao nhất.
Ngọc An