![]() |
Sinh thời, John Paul II đã thúc đẩy sự phát triển của giáo hội và Vatican đã có thêm tiếng nói trong các vấn đề đạo đức. Nhưng vẫn còn nhiều sứ mệnh chưa hoàn tất sẽ thử thách năng lực của người đứng đầu nhà thờ tới đây. Sự thiếu hụt linh mục Bất chấp các chuyến công du và nhân cách nổi tiếng của John Paul II, con số linh mục trên thế giới hiện nay vẫn giữ nguyên như khi ngài bắt đầu lên nắm quyền, trong khi số giáo dân đã tăng 40%. Đối với người Công giáo, việc được linh mục ban thánh thể là rất quan trọng. Nhưng ở Bắc Mỹ, cứ 1.300 giáo dân mới có một linh mục. Còn tại Nam Mỹ, tỷ lệ này là 7.000. Tại nhiều nơi, các linh mục chỉ xuất hiện mỗi tháng một lần cho lễ Mixa. Vì thế, nhiều giáo dân chuyển sang các đạo khác như Tin lành. Một đề xuất được đưa ra là tân Giáo hoàng nên cân nhắc khả năng cho các linh mục kết hôn. “Việc có đủ linh mục để ban thánh thể quan trọng hơn là bắt họ phải độc thân”, Cha Thomas Reese - chủ bút America - một tuần báo của cộng đồng Công giáo - bình luận. Phân bổ quyền lực trong giáo hội Vấn đề này khiến các lãnh đạo nhà thờ trên khắp thế giới trăn trở từ lâu. John Paul II đã tập trung quyền lực về Rome, giảm quyền kiểm soát của các giám mục, dập tắt tranh luận, khiến cho việc áp dụng các quy định của Vatican vào các nhà thờ địa phương rất khó khăn. “Những vùng khác nhau trên thế giới phải đương đầu với các vấn đề cũng khác nhau. Vì vậy người dân muốn chịu ít sự can thiệp của Rome hơn trong các hoạt động nhà thờ của họ”, Paul Lakeland, giáo sư giảng dạy về tôn giáo tại Đại học Fairfield ở Connecticut (Mỹ), cho biết. Sự cân bằng quyền lực giữa Vatican và các giám mục là một chủ đề chính trong cuộc bỏ phiếu tuần này của các hồng y. Một số giáo dân cho rằng đã đến lúc lập lại việc bầu chọn giám mục ở cấp địa phương, một lệ từng được áp dụng trước dây. Quan hệ với các tôn giáo khác Trong tình hình căng thẳng toàn cầu hiện nay, vị tân giáo hoàng sẽ phải tìm cách phát huy những nỗ lực của người tiền nhiệm ngài trong quan hệ liên tôn. Hồi giáo sẽ chiếm vị trí ưu tiên. Xung đột giữa Công giáo và Hồi giáo đã diễn ra tại châu Phi và nhiều nơi khác. Sinh thời, Giáo hoàng John Paul từng gặp các nhà lãnh đạo Hồi giáo hơn 50 lần. Ngài giành được thiện cảm của thế giới đạo Hồi, vì một loạt cử chỉ thiện chí. John Paul II từng xin lỗi vì những lỗi lầm trong quá khứ, thăm một thánh đường, và khi nhận một quyển kinh Koran, ngài đã hôn nó. Không giống như một số người giảng đạo Tin lành, John Paul khẳng định người Cơ đốc và Hồi giáo đều có chung một đức Chúa. Tuy nhiên, một số nhân vật trong cũng như ngoài giáo hội đang kêu gọi một đường lối cứng rắn hơn, đòi thừa nhận sự cạnh tranh giữa Công giáo và Hồi giáo. Họ cho rằng đã đến lúc các lãnh đạo Hồi giáo phải có những đảm bảo về quyền tự do tín ngưỡng cho những tín đồ Cơ đốc. Vì vậy, việc vị tân Giáo hoàng lấy cạnh tranh tôn giáo hay xây dựng những mối hợp tác liên tôn mới làm đường lối chính sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng bên ngoài nhà thờ. Những vấn đề của thế giới thứ ba Ngoài ra, cho dù vị giáo hoàng mới có đến từ một nước đang phát triển hay không, thì ngài cũng phải tập trung vào những vấn đề cấp bách nhất tại khu vực đó: nghèo đói, HIV/AIDS và những khó khăn đi liền với toàn cầu hoá. Trung tâm của Công giáo đã chuyển về phía nam. Các lãnh đạo nhà thờ tại những khu vực này đang tìm kiếm những biện pháp cụ thể đối với các vấn đề kinh tế cấp bách. Ngoài ra, các cuộc thăm dò cho thấy số đông giáo dân tại ngay cả các nước phát triển cũng muốn giáo hội tập trung hơn vào nghèo đói. John Paul đã nói và viết nhiều về những vấn đề này, nhưng ngài lại cản trở những nỗ lực của giới linh mục địa phương khi họ tìm kiếm các giải pháp. Vì vậy, vị Giáo hoàng mới không thể chỉ dừng lại ở việc phê phán những bất công mà còn cần đưa ra các đề xuất cụ thể. Tương tự, tại châu Phi, nơi nhà thờ đang lớn mạnh nhanh chóng, một số người chỉ trích cho rằng tập trung kêu gọi tiết chế tình dục không giúp gì nhiều cho việc ngăn cản nạn dịch AIDS. Theo họ, cần phải có những thay đổi, chẳng hạn nhà thờ nên cho phép những người chồng nhiễm HIV dùng bao cao su. Những người theo tư tưởng bảo thủ thì hy vọng vào một Giáo hoàng có khả năng phổ biến những quan điểm của John Paul II một cách hữu hiệu hơn. Còn những người khác thì cho rằng giáo hội chỉ có thể tiến bộ và xích lại gần giáo dân, nếu những vấn đề hiện nay như sinh đẻ kế hoạch, ly dị, đồng tính luyến ái, vai trò của phụ nữ và những tầng lớp thế tục được đưa ra thảo luận một cách cởi mở. M.C. (theo CS Monitor) |